Phá Tam Giang, Huyền Không Sơn Thượng, cầu ngói Thanh Toàn, phố cổ Bao Vinh là các điểm đến mới cho chuyến du lịch ra khỏi nội thành Huế.
Nếu từng đến Huế, đã đi thăm hết lăng tẩm và điểm đến trong thành phố, du khách có thể chọn những trải nghiệm khác ở ngoại ô. Những điểm đến ngoại thành dưới đây, du khách sẽ có một trải nghiệm mới về Huế.
48 giờ ở ngoại ô thành phố Huế dựa trên trải nghiệm của phóng viên VnExpress và gợi ý của Đức Hoàng, hướng dẫn viên du lịch. Hành trình thích hợp cho du khách đến Huế dịp Tết Ất Tỵ sắp tới, khi mùa mưa kết thúc.
Ngày 1
Các điểm đến được lựa chọn trong ngày đầu có khoảng cách 10 km tính từ cầu Trường Tiền, với hai hướng di chuyển.
Cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn được trùng tu năm 2022.
Nằm ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, cầu ngói Thanh Toàn là điểm đến nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài Khúc Thoại, Phú Khê ở miền Bắc hay Chùa Cầu ở Hội An, Thanh Toàn là một trong số ít cầu có kiến trúc "thượng gia hạ kiều". Hai bên thành cầu là dãy bệ gỗ và lan can, có chỗ cho khách ngồi nghỉ.
Dạo chơi ở phố cổ Bao Vinh
Khu phố cổ nằm cách cầu Trường Tiền hơn 4 km về hướng đông bắc và cách cầu ngói Thanh Toàn 10 km. Bao Vinh từng là thương cảng tấp nập ở Đàng Trong khoảng 200 năm trước. Khu phố với nhiều kiến trúc độc đáo, giàu giá trị lịch sử của cố đô Huế.
Quán cà phê Mắt Biếc ở phố cổ Bao Vinh.
Đến đây, du khách nên ghé quán cà phê Mắt Biếc. Nằm trên đường vào phố cổ, quán là điểm đến được nhiều người ghé thăm sau khi bộ phim cùng tên của đạo diễn Victor Vũ ra mắt năm 2019. Không gian bên trong quán giữ nguyên như "nhà của Hà Lan" với nội thất gợi nhiều nét hoài niệm về thập niên 1960 - 1970.
Ăn trưa các món truyền thống tại phố cổ Bao Vinh.
Thư giãn ở Huyền Không Sơn Thượng
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11 km, thuộc phường Long Hồ, quận Phú Xuân, Huyền Không Sơn Thượng là chùa tọa lạc trên đồi giữa cảnh sắc thiên nhiên. Xung quanh chùa là hồ nước, thảm cây xanh, rừng thông, đường dẫn vào chùa uốn lượn.
"Đến đây ngồi thư giãn, du khách sẽ thấy được sự yên bình", Đức Hoàng cho hay.
Một góc ở Huyền Không Sơn Thượng.
Ngắm hoàng hôn ở đồi Vọng Cảnh
Đồi Vọng Cảnh nằm ở phường Thủy Xuân và Thủy Biều, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về hướng nam. Tương truyền, đây là nơi vua nhà Nguyễn từng dừng chân vãn cảnh. Du khách đi theo tuyến đường Điện Biên Phủ khoảng 15 phút, sau đó gửi xe máy và tản bộ dọc đường Huyền Trân Công Chúa.
"Du khách có thể đến đồi Vọng Cảnh mọi thời điểm trong ngày nhưng khoảnh khắc đẹp nhất là sáng sớm khi sương bao phủ mờ ảo, hoặc sau 16h, lúc hoàng hôn buông", Hoàng nói và cho biết thêm đường dễ đi.
Ăn tối ở trung tâm thành phố
Thành phố Huế có nhiều địa điểm phù hợp cho bữa tối. Du khách có thể lựa chọn các quán bánh Huế như Bà Đỏ, Huế Xưa, O Lé, Hạnh; bún thịt nướng Huyền Anh; bún mắm nêm, bánh ướt Mệ Thảo; nem lụi Tài Phú; bún bò Mệ Kéo; cơm niêu Chạn, cơm niêu Không Gian Xưa.
Các quán ăn vỉa hè khu phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu hay chợ Đông Ba.
Ngày 2
Ăn sáng và uống cà phê muối
Bữa sáng bắt đầu với bún bò Huế hoặc cơm hến, cháo hến, bánh canh, bún chả cá, bánh canh Nam Phổ.
Cà phê muối là một trong những món "phải thử" khi đến Huế. Thức uống này phổ biến ở nhiều tỉnh thành, nhưng ở Huế vẫn mang hương vị "chuẩn" nhất.
Một số quán cà phê muối gợi ý: số 10 Nguyễn Lương Bằng, 142 Đặng Thái Thân, 163 Phan Đình Phùng, 38 Nguyễn Tri Phương.
Thăm phá Tam Giang
Rừng ngập mặn Rú Chá được xem là khu sinh quyển quan trọng ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Bình minh ở phá Tam Giang.
Hoạt động buôn bán của ngư dân ở phá Tam Giang.
Là một trong những vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, cách thành phố Huế khoảng 13 km, phá Tam Giang mang vẻ đẹp hoang sơ. Du khách đi theo quốc lộ 49B hướng biển Thuận An.
Khi đến đầm Chuồn, một phần trong hệ thống phá Tam Giang, du khách sẽ thấy hoạt động tấp nập của ngư dân khi trở về sau một đêm đánh bắt. Người dân mua bán tôm cá ngay trên thuyền giữa phá.
Hành trình ở Tam Giang có thể kéo dài đến khoảng 17h, tùy sở thích. Du khách có thể kết hợp đạp xe từ làng Vinh Vệ dọc theo sông Như Ý về phía đầm Chuồn để thăm nhà chòi, ăn hải sản và ngắm cảnh.
"Làng có nhiều nhà kiến trúc như những mái đình cổ, nhà thờ tộc chạm trổ rồng phượng", Hoàng cho hay.
Nếu thích ngắm bình minh, du khách nên thay đổi lịch trình, di chuyển từ thành phố Huế sớm vì bình minh đẹp nhất trên phá là từ 5h30 đến 7h.
Lựa chọn thay thế: Ở ngoại ô thành phố Huế, du khách có thể cân nhắc ghé khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Thanh Tân, làng hương Thủy Xuân, đồi Thiên An.
Nguyễn Thoa (Theo Vnexpress)