Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là việc tích cực thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội (KT-XH), trong đó có hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Giai đoạn 2021 - 2024, Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy chuyển đổi số.
Cùng với sự tham gia tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đã tăng cường đầu tư, mở rộng mạng lưới, nâng cấp hạ tầng công nghệ và đa dạng hóa các mảng dịch vụ.
Cùng với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng công nghệ, Go!Vĩnh Phúc tích cực tuyên truyền khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Thế Hùng
Đến nay, toàn tỉnh có 3.100 trạm thu phát sóng thông tin di động; phủ sóng di động 3G, 4G toàn tỉnh đạt 100%; trên 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh.
Đây chính là nền tảng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo thói quen giao dịch TMĐT.
Trước đó, năm 2021, Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch 260 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Theo đó, các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn sẽ được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số và được hỗ trợ đăng ký tài khoản để đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 16 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng TMĐT; hơn 140 gian hàng được đăng ký trên các sàn TMĐT.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng TMĐT cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân được các cấp, ngành chức năng quan tâm, thực hiện.
Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ 17 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website TMĐT; tổ chức lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh, sinh viên và người dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về TMĐT.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch TMĐT postmart.vn.
Năm 2024, các cấp hội đã hướng dẫn nông dân đăng ký mới 210 tài khoản trên sàn TMĐT; đưa 83 nông sản lên sàn TMĐT postmart.vn.
Đặc biệt, tỉnh còn chú trọng xây dựng các sàn TMĐT của địa phương. Ngoài sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (VPTEX) được triển khai từ năm 2016, mới đây, Vĩnh Phúc đã đưa vào vận hành sàn TMĐT của tỉnh tại địa chỉ vinhphuctrade.vn. Nhờ đó, những năm qua, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, việc mua sắm trên các trang TMĐT đã trở thành xu hướng và phổ biến đối với nhiều người dân, doanh nghiệp.
Nhiều người dân xã Đồng Cương (Yên Lạc) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động mua sắm. Ảnh: Thế Hùng
Theo số liệu khảo sát cho thấy, nhiều người dân Vĩnh Phúc đã tiếp cận sử dụng các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… và các trang mạng xã hội để mua, bán như youtube, facebook, zalo, Instagram, Tiktok, Twitter...
Hơn thế nữa, các phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như Momo, VNPAY, Zalo Pay hay Viettel Money được khai thác và sử dụng rộng rãi trong thanh toán trực tuyến và trực tiếp.
Kết quả, giai đoạn 2021 - 2024, Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, KT - XH trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, hiện quy mô, chất lượng giao dịch TMĐT của các khối cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa cao.
So với 2 thành phố đầu tàu cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh (xếp ở vị trí số 1, đạt 89,2 điểm) và thành phố Hà Nội (xếp ở vị trí số 2, đạt 85,7 điểm), Vĩnh Phúc vẫn còn có khoảng cách khá xa, chỉ đạt điểm trung bình so với cả nước.
Doanh số bán lẻ trực tuyến của tỉnh giai đoạn 2022 - 2023 mới đạt hơn 500 tỷ đồng; tỷ lệ người mua hàng trực tuyến so với cả nước đạt 1,83%.
Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh có thị trường TMĐT phát triển, chỉ số TMĐT duy trì thuộc nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước, Sở Công thương sẽ xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn như: Hỗ trợ ứng dụng các công nghệ hiện đại trong hoạt động logistics số; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về hoạt động TMĐT; xây dựng hệ thống đánh giá trực tuyến về tín nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong TMĐT.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về TMĐT. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất xây dựng trang web TMĐT phù hợp với mô hình sản xuất, kinh doanh, sản phẩm hàng hóa của đơn vị và tham gia vào mạng lưới TMĐT xuyên biên giới...
Hồng Tính