Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã thúc đẩy sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm kinh tế giỏi của hàng nghìn hội viên nông dân. Điển hình trong số đó là gia đình anh Phan Hồng Diên, chị Trần Thị Huyền ở Chi hội Nông dân thôn Đan Thượng, xã Tân Phú (Vĩnh Tường) đã biến đất cằn thành trang trại chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Phan Hồng Diên chăm sóc ao cá của gia đình.
Xuất thân từ gia đình nông dân, gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ nên khi anh Phan Hồng Diên, chị Trần Thị Huyền kết hôn vẫn quyết định phát triển kinh tế gia đình từ nghề chăn nuôi trên chính quê hương mình.
Năm 2000, anh chị dồn ghép ruộng đất và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thầu diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Từ nguồn vốn tích lũy của gia đình và vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT, anh chị đã cải tạo diện tích 1 ha mặt nước để thả cá với các loại chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính. Phần diện tích còn lại xây dựng trang trại chăn nuôi lợn và gà thịt.
Mỗi năm, anh chị nuôi 2 vụ cá, mỗi vụ trung bình thu 40 tấn cá; nuôi 1-2 lứa gà thịt, mỗi lứa 3.000 con. Trang trại của anh chị thường xuyên duy trì 70 con lợn nái và 900 con lợn con, lợn bột.
Từ năm 2010, gia đình anh chị tiếp tục mở rộng kinh doanh thức ăn chăn nuôi để vừa phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình vừa tăng thu nhập. Nhờ sự năng động, sáng tạo, trung bình mỗi năm, thu nhập từ trang trại và kinh doanh của gia đình anh Diên, chị Huyền đạt hơn 10 tỷ đồng.
Theo chị Huyền, thành quả đó là sự nỗ lực, cố gắng, kiên trì và đam mê với nghề chăn nuôi. Bởi nghề này không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” mà luôn phải đối mặt với không ít rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường.
Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi gần như đã “xóa sổ” hoàn toàn trang trại của gia đình khi hàng chục con lợn nái và hàng trăm con lợn bột đang đến kỳ xuất chuồng bị nhiễm bệnh phải mang đi tiêu hủy. Cả trang trại chỉ còn lại vài trăm con gà, vài tấn cá không đủ bù vào tiền chi phí chăn nuôi.
Anh Phan Hồng Diên chia sẻ: Bàng hoàng, hụt hẫng, xót xa là cảm giác của vợ chồng tôi khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, bởi bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào đàn lợn giờ không chỉ “trắng tay” mà còn gánh thêm một khoản nợ khổng lồ.
Thời gian sau đó, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vợ chồng tôi đã tập trung vệ sinh, khử trùng chuồng trại, tìm hiểu vắc xin phòng dịch, từng bước tái đàn. Nhờ tuân thủ các quy tắc phòng dịch, kỹ thuật chăn nuôi, dinh dưỡng cùng việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, xây dựng chuồng trại bài bản theo hệ thống tự động đảm bảo ấm áp vào mùa đông, mùa hè thoáng mát nên đàn lợn khỏe mạnh, lớn nhanh.
Anh Diên cho biết: Bất cứ nghề nào cũng phải xuất phát từ niềm đam mê, sự chăm chỉ và kiên trì mới có thể trụ vững được trước “sóng gió”. Chăn nuôi lợn là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng bởi thị trường tiêu thụ lớn, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn như vấn đề dịch bệnh, thiên tai và giá thức ăn chăn nuôi biến động liên tục.
Bởi vậy, để đàn lợn khỏe mạnh cần có sự đầu tư chuồng trại quy mô, trang bị máy móc hiện đại, có chuồng nuôi riêng lợn con sau tách mẹ. Phải kiểm soát nghiêm ngặt môi trường khu vực chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống sạch sẽ, đủ dinh dưỡng để đàn lợn an toàn, khỏe mạnh, từ đó hạn chế tối đa rủi ro.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, vợ chồng anh Diên, chị Huyền luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Hội Nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Anh chị sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với hội viên, nông dân trong chi hội về con giống, kinh nghiệm chăn nuôi, nhất là với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đối với khu dân cư, anh chị tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động do địa phương phát động, như hiến đất nông nghiệp cho thôn mở rộng giao thông nội đồng; ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Ngày vì người nghèo, trẻ em khuyết tật; ủng hộ sửa chữa, tu bổ các công trình văn hóa tâm linh đình, chùa tại thôn Đan Thượng.
Đồng thời tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
Với những nỗ lực đó, gia đình anh Diên, chị Huyền nhiều năm được cấp trên biểu dương, ghi nhận. Năm 2022, chị Trần Thị Huyền được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022.
Bài, ảnh: Phương Loan