Nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, tỉnh đã giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh phòng cháy, chữa cháy rừng. Qua đó quản lý, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có.
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo thường xuyên tuần tra bảo vệ, xử lý những trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ rừng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang quản lý, theo dõi gần 37 nghìn ha rừng, đất lâm nghiệp; đã giao đất, giao rừng cho 13 tổ chức, 11.525 hộ gia đình, cá nhân; xác lập 4.107,5 ha rừng phòng hộ; chuyển đổi gần 3.900 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.
Điều tra, xác lập, phân định ranh giới rừng, lập hồ sơ cắm 941 mốc ranh giới, 80 bảng chỉ dẫn rừng phòng hộ cho 6 huyện, thành phố có rừng trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm kê rừng theo định kỳ; ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; thường xuyên cập nhật hơn 2.000 ha rừng, đất lâm nghiệp có sự thay đổi theo quy định.
Từ năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý 186 vụ vi phạm hành chính về chặt phá, vận chuyển, khai thác, mua bán, tàng trữ lâm sản trái quy định với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách tỉnh đầu tư hơn 28 tỷ đồng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng; hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng thực hiện dự án bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các hộ gia đình, cá nhân.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng gần 4.000 ha rừng tập trung; hơn 6.700 ha cây phân tán; khai thác 237.640 m3 gỗ; gieo ươm, xuất vườn 23,5 triệu cây giống; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng thử nghiệm 22 mô hình cây keo lai mô BV10, BV16, BV33 trên địa bàn các huyện, thành phố có rừng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Tam Đảo tuyên truyền, vận động các hộ nhận khoán trồng rừng thực hiện chăm sóc rừng, phát dọn thực bì, giảm thiểu thiệt hại về cây trồng khi có cháy rừng xảy ra. Ảnh: Nguyễn Lượng
Trồng hơn 100 ha cây dược liệu dưới tán rừng, trên đất lâm nghiệp; cấp chứng chỉ rừng trồng gần 1.200 ha; mỗi năm thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 205 ha rừng nhằm nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, phòng hộ... đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt hơn 103 tỷ đồng/năm.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được lực lượng kiểm lâm triển khai quyết liệt. Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho các cấp chính quyền kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR, xây dựng lực lượng PCCCR cơ sở sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Chỉ đạo chủ rừng xây dựng phương án, biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng gần 200 km đường băng cản lửa các loại, xây dựng chòi canh gác lửa rừng, trang bị hàng nghìn dụng cụ thô sơ phục vụ chữa cháy rừng.
Phối hợp với Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về PCCCR; phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự tính, dự báo cháy rừng và thông tin cấp cháy kịp thời tới cơ sở.
Ngoài ra, Chi cục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR phân công kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm soát lửa rừng trong những ngày cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ rừng mùa khô hanh.
Qua đó hạn chế tối đa số vụ cháy rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 25%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Để người dân yên tâm sản xuất, tham gia bảo vệ, phát triển rừng, mới đây, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư, mức khoán, bảo về rừng trong lâm nghiệp.
Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục ứng dụng phần mềm giám sát rừng, thiết bị di động GPS, flycam trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; lồng ghép các chương trình, dự án, đề án tạo nguồn kinh phí đầu tư phát triển lâm nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo nguồn thu ổn định, phát triển các hình thức du lịch gắn với lâm nghiệp.
Mai Liên