Tròn 10 năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (2014 - 2024), đã có gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại 3 Phái bộ (Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei) và Trụ sở Liên hợp quốc. Vĩnh Phúc vinh dự và tự hào khi có hàng chục lượt cán bộ tình nguyện viết đơn tham gia lực lượng “sứ giả hòa bình”, trong đó có không ít nữ y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 109.
Kỳ 1: Từ vùng chiến sự
Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi hay khu vực Abyei đều là những vùng đất có khí hậu, thời tiết vô cùng khắc nghiệt lại thường xuyên bị đe dọa, tàn phá bởi các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, bạo loạn, dịch bệnh. Mặc dù đã được chuẩn bị cả về tâm lý và hành trang nhưng khi đặt chân đến đây, nhận nhiệm vụ mới, nhiều nữ quân y vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi những khó khăn và thách thức phải đối mặt.
Giữa bốn bề tiếng súng
Thiếu tá chuyên nghiệp Đỗ Thị Phượng (sinh năm 1982), Bệnh viện dã chiến cấp 1 của Đội công binh đóng quân tại căn cứ Highway, thị trấn Abyei, phái bộ UNISSFA vừa hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, trở về Bệnh viện Quân y 109 vào cuối tháng 11 vừa qua.
Chị kể: “Không ít lần mâm cơm vừa dọn lên thì tiếng súng đùng đoàng vọng lại. Nhận được báo động tình hình bên ngoài phức tạp, ngay lập tức phải cắt nguồn điện sáng, tất cả chúng tôi đều nhanh chóng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Đợi tình huống nguy hiểm qua đi mới yên tâm quay lại mâm cơm đã nguội. Nhưng lúc ấy chẳng còn tâm trạng nào mà ăn uống nữa. Thời gian đầu cũng rất hoảng sợ. Nhưng rồi, chúng tôi ai cũng phải tập quen dần. Sự căng thẳng ấy của tình hình chiến sự, trước lúc đến đây, quả thực, tôi và đồng đội chưa từng hình dung”.
Những nữ quân y Vĩnh Phúc cùng đồng nghiệp tại địa bàn đóng quân.
Sự an toàn của những người lính công binh sẽ được lực lượng chức năng tăng cường đảm bảo. Thế nhưng ngoài kia, vô số người dân vô tội đã thiệt mạng dưới nòng súng của những phần tử bạo loạn, gây rối, kích động lẫn nhau. Tròn một năm thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ UNISSFA, chị Phượng đã không ít lần cùng các chiến sĩ công binh đi hỗ trợ mai táng cho các nạn nhân xấu số. Ám ảnh nhất là lần cả gia đình 7 người đều thiệt mạng, trong đó có một em bé vừa tròn 2 tuổi. Khoảnh khắc ấy, chị trân quý và thấy ý nghĩa biết bao những ngày tháng được sống trên đất nước Việt Nam thanh bình. Chị ao ước, giá như sự thanh bình ấy cũng hiện diện ngay trên mảnh đất nơi mà chị và các đồng đội đang làm nhiệm vụ...
Thiêng liêng lễ chào cờ giữa vùng chiến sự.
Sự khốc liệt của chiến sự, sự khắc nghiệt của khí hậu và dịch bệnh sốt rét như bào mòn sức khỏe của những nữ quân y. Thiếu tá Vũ Thị Huế, Phó Chủ nhiệm khoa Cán bộ, Bệnh viện Quân y 109, hiện là Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 1, Đội công binh số 3, cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, khu vực Abyei chia sẻ:
“Dưới cái nắng như đổ lửa gần 50 độ, đường sá bụi phủ mù mịt theo mỗi vòng xe, cây cỏ chết khô, héo rũ. Lúc đầu chưa quen, ai cũng bị hoa mắt chóng mặt vì say nắng, thực hiện nhiệm vụ cũng khó khăn hơn. Làn da con gái nhanh chóng chuyển sang màu bánh mật chỉ trong thời gian rất ngắn. Còn mùa mưa thì như trút nước đêm ngày, gây ra tình trạng ngập lụt, lầy lội diện rộng. Đi lại phải dùng ủng nhưng đôi khi, ủng cũng bị sụt lún trong bùn đất nhão nhoẹt không nhấc lên được”.
Thiếu tá Vũ Thị Huế, Phó Chủ nhiệm khoa Cán bộ, Bệnh viện Quân y 109 thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến cấp 1, Đội công binh số 3, cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, khu vực Abyei.
Chưa kể, sinh hoạt hàng ngày của đội công tác cũng gặp vô vàn khó khăn khi thiếu nước sạch, phải tự đào giếng để khơi nguồn nước; điện phải chạy hoàn toàn bằng máy phát; mạng điện thoại thì quy định dùng theo giờ chẵn, lẻ; riêng với khung giờ từ 10 - 12h trưa và 3 - 5h chiều sẽ bị cắt mạng hoàn toàn vì dung lượng thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng liên tục.
Ở đó, 100% thực phẩm chế biến hằng ngày là hàng đông lạnh, được vận chuyển bằng đường biển trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng để đến được điểm phân phát. Vì thế nên mặt hàng rau xanh chỉ vỏn vẹn một danh mục là... cải thảo. Nhưng khi được chuyển đến tay cán bộ hậu cần, lớp bên ngoài đã bị hỏng gần hết, chỉ còn dùng được vài bẹ lá trong cùng. Các đơn vị sẽ được cấp lương thực, thực phẩm đủ dùng cho vài ba tháng. Tất nhiên, số lượng không thiếu nhưng để có một miếng thịt lợn hay con cá tươi, có lẽ là điều vô cùng xa xỉ.
Theo lời kể của các nữ quân y, muốn mua được cân thịt lợn, phải trải qua 3 giờ bay trên 2 chặng bay bằng máy bay quân sự để vượt quãng đường khoảng 600 km. Dĩ nhiên, điều đó thật khó thực hiện! Chỉ còn có thể trông chờ vào những đồng chí đi công tác qua khu vực gần đó, rồi nhờ mua giúp mà thôi. Thế nên, hình ảnh bữa cơm nơi quê nhà dù là đạm bạc, giờ cũng trở thành niềm ao ước lớn lao của những người lính mũ nồi xanh trên đất bạn! Đặc biệt là hương vị của bát cháo nóng có ít hành lá rắc lên trên cứ quanh quẩn, chập chờn trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê khi cơn sốt rét hoành hành. Mà sốt rét ở vùng đất này đã như là “đặc sản”!
Tạm xếp việc nhà, gánh vác việc quân
Dù còn vô vàn khó khăn, vất vả và thiếu thốn trong môi trường làm việc, sinh hoạt nhưng cũng như bao nữ quân nhân khác của Quân đội nhân dân Việt Nam, với ý chí và nghị lực được rèn luyện trong quân ngũ, các nữ quân y của Vĩnh Phúc đã nỗ lực thích nghi với cuộc sống, công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hậu phương vững chắc của họ là người chồng sẵn sàng sẻ chia việc nhà, đảm đương nhiệm vụ của cả người vợ, người mẹ để họ yên tâm gánh vác việc quân; là những đứa con ngoan, hiểu chuyện và sự ủng hộ rất lớn từ phía gia đình.
Đã hơn 2 tháng, chị Lê Thị Hằng - vợ bác sĩ Nguyễn Hồng Hoàn, Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh (Bệnh viện Quân y 109) lên đường đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan, anh như dần quen với cảnh “bếp của đàn ông”, sắp xếp thời gian kịp đưa đón con đi học.
Anh Hoàn tâm sự: “Đều là người lính nên tôi rất ủng hộ vợ nhận nhiệm vụ. Ở nhà, cơm thì ăn bữa nay, lo nấu luôn cho bữa mai, để sẵn ở tủ lạnh; đến bữa hâm nóng lên thôi, mới kịp giờ cho các con đi học. Cô con gái mười tuổi cũng đỡ đần bố việc nhà cửa, giặt giũ, chăm sóc em. Việc chợ búa, bếp núc tôi không ngại gì. Chỉ là con gái đang tuổi dậy thì mà không có mẹ bên cạnh, người làm bố rất khó chia sẻ”.
Rực rỡ màu cờ sắc áo Việt Nam tại căn cứ Highway, thị trấn Abyei.
Biết bao sự bận tâm, lo lắng mà hậu phương nơi quê nhà đã lặng lẽ dành về phần mình để người nơi tiền tuyến yên tâm công tác. Nhưng cũng có những chuyện không thể lựa chọn im lặng... Đó là câu chuyện của thiếu tá chuyên nghiệp Đỗ Thị Phượng: Đầu năm 2024, bố chị qua đời do tai biến. Lúc bố sắp trút hơi thở cuối cùng, chị vẫn còn đang làm nhiệm vụ ở khu vực Abyei. Không thể trở về để tiễn bố một đoạn đường cuối... Lòng chị day dứt khôn nguôi.
Nhưng ở dưới mái nhà chung ấy, có những người đồng đội như là anh em luôn ngày đêm sát cánh, đã thay chị lập bàn thờ, tổ chức lễ viếng, động viên, chia buồn cùng chị. Cán bộ Cục gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc của Việt Nam, những đồng đội của chị đang về phép và cả đồng nghiệp tại Bệnh viện Quân y 109 cũng đã đến thăm viếng, chia buồn cùng gia đình và thay chị thắp nén tâm nhang cho người quá cố. Biết tin, chị cũng cảm thấy ấm lòng.
Cứ thế, những người lính xa nhà, xa quê hương đã kề vai sát cánh đi qua bao khó khăn; sẻ chia những buồn vui, mất mát để vững tin hoàn thành sứ mệnh của mình.
Ghi chép của Hoàng Cúc
(Ảnh do nhân vật cung cấp)