Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đưa giống mới vào sản xuất đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao, gia tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
Nông dân xã Đồng Ích (Lập Thạch) trồng ngô giống mới, gia tăng giá trị từ 1 - 2 triệu đồng/sào.
Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 11, trên cánh đồng thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích (Lập Thạch), bà Triệu Thị Lan, 45 tuổi cùng con trai đã miệt mài chăm sóc ruộng ngô giống mới NK 4300 của gia đình. Theo bà Lan, vụ Đông năm 2024, gia đình bà trồng 3 sào ngô lai. Nhờ được hỗ trợ ngô giống tốt nên thu nhập tăng từ 1 - 2 triệu đồng/sào so với giống ngô thuần.
Bà Nguyễn Thị Hương, 62 tuổi ở xã Hồ Sơn (Tam Đảo) cho biết: "Nhờ chuyển dịch hơn 1 ha trồng rau su su sang trồng nho Hạ đen ứng dụng công nghệ mới trong 5 năm qua, mỗi năm thu nhập từ nho Hạ đen tại vườn của gia đình thu về gần 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thời vụ cho 4 - 6 lao động với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật tưới phun, trồng xen rau má dưới tầng gốc, đặc biệt là được hỗ trợ giống cây nên vườn nho Hạ đen của gia đình tôi phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao".
Ông Phùng Văn Trọng, thôn Nhật Chiêu 2, xã Liên Châu (Yên Lạc) chia sẻ: "Năm 2024, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hệ thống máy cảm biến, máy sục khí ô xy nuôi thủy sản trên quy mô 3 ha. Từ khi lắp đặt hệ thống này, tôi dễ dàng theo dõi sự thay đổi của môi trường nước, lượng oxi, độ pH, nhiệt độ nước... thông qua điện thoại thông minh.
Hệ thống cảm biến được kết nối với hệ thống quạt nước tạo oxy trong hồ nên không cần trực tiếp ra hồ tôi vẫn có thể điều khiển bật tắt quạt dễ dàng. Sử dụng hệ thống cảm biến này giúp tôi giảm được nhiều chi phí mua thuốc và lượng hóa chất xử lý hồ ao; hệ thống cảnh báo đúng bệnh, đúng chủng loại, liều lượng, thời điểm... nhờ đó, đàn cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật và có hệ thống cảm biến trợ giúp nên dù thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường, đàn cá vẫn sinh trưởng ổn định. Tỷ lệ nuôi sống sau 3 tháng đạt hơn 82,7%, tiêu tốn thức ăn dưới 2 kg thức ăn/kg tăng trọng, trọng lượng bình quân đạt gần 2 kg/con".
Không chỉ các hộ dân, nhờ chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư máy móc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất thuần nông sang trồng nho Hạ đen, gia đình bà Nguyễn Thị Hương, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) có thu nhập 300 triệu đồng/năm
Điển hình, năm 2022, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV (Netherlands Development Organization) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp tại các xã Đồng Ích, Xuân Lôi, Xuân Hòa, Liễn Sơn, Tử Du (Lập Thạch). Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ xây dựng 3.218 công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai ứng dụng rộng rãi vào thực tế, gia tăng giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh như Dự án sản xuất rau an toàn, quy mô 130 ha triển khai ở 16 xã, thu hút 9.000 hộ nông dân tham gia với sản lượng 2,5 vạn tấn/năm; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, bảo tồn các loại cây dược liệu và sản xuất các dược chất, các sản phẩm thứ cấp có giá trị.
Hay như thí điểm 18 mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, 8 vùng sản xuất rau an toàn thuộc dự án QSEAP, quy mô 220 ha ở 8 xã, thị trấn; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tại 28 cơ sở sản xuất, chế biến rau, quả; ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao giá trị cho sản phẩm sữa tươi; hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm Probio Livest - VP01 để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi…
Kỹ sư Nguyễn Việt Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đại trà đã giúp chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ, đưa cây trồng có giá trị, năng suất cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng và địa phương trong tỉnh, tạo bước phát triển mới cho ngành Nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội.
Tỷ lệ giống lúa chất lượng đến nay đạt 77% tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh (tăng 0,7% so với năm 2020). Hiệu quả kinh tế trung bình tăng thêm khoảng 3 - 5 triệu đồng/ha, có nơi tăng từ 6 - 8 triệu đồng/ha.
Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân 3,5%/năm; năm 2023, tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 354 nghìn tấn. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt hơn 150 triệu đồng/ha, tăng 3,5% so với năm 2020.
Kết quả này đã đưa Vĩnh Phúc là tỉnh đứng thứ Nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2023.
Bài, ảnh: Xuân Hùng