Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực và đạt cao hơn mặt bằng chung của cả nước, tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ giải ngân VĐTC được giao.
Năm 2024, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh được giao là hơn 8.750 tỷ đồng (không bao gồm kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 kéo dài sang). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giao gần 7.780 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh giao bổ sung.
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường Lý Thái Tổ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.
Nguồn vốn trên được tỉnh giao phân bổ cho ngân sách cấp huyện, cấp xã quản lý gần 4.100 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý. 100% nguồn vốn đã được giao phân bổ chi tiết ngay khi đủ điều kiện.
Tính đến đầu tháng 11, toàn tỉnh giải ngân được gần 4.700 tỷ đồng, đạt hơn 60% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt gần 52% tổng số vốn kế hoạch năm 2024 (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài). Trong đó, vốn cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt gần 44%; vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã quản lý đạt 61%.
Tỷ lệ giải ngân VĐTC của tỉnh 10 tháng năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 89,3%), nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (đạt 52,29%), xếp thứ 21/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phân tích của các cơ quan chuyên môn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến việc giải ngân VĐTC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là do trong những tháng đầu năm, các nhà thầu tập trung thanh toán kế hoạch VĐTC năm 2023 (giải ngân đến 31/1/2024); một số dự án vừa được bổ sung, phân bổ vốn trong tháng 10/2024 nên chủ đầu tư chưa kịp thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2024.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn trong quá trình triển khai nhiều công trình, dự án do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng chậm trễ, kéo dài.
Một số dự án chưa có tên hoặc chưa đủ chỉ tiêu sử dụng đất trong danh mục quy hoạch được duyệt, phải thực hiện thủ tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của cấp huyện nên mất nhiều thời gian.
Luật Đất đai mới có hiệu lực nhưng nhiều văn bản triển khai theo quy định mới chưa được ban hành nên khó khăn cho các địa phương khi thực hiện; các quy định về giao đất còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện.
Quy định giao đất cho toàn bộ dự án mới được khởi công, không được giao đất từng phần theo tiến độ triển khai gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.
Việc cấp phép, nâng công suất khai thác mỏ đất còn nhiều hạn chế, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp trên địa bàn tỉnh khiến nhiều nhà thầu không có đất để thi công hoặc phải mua đất ở các tỉnh lân cận với giá cao nên thi công cầm chừng.
Bên cạnh đó, hạ tầng các bãi tập kết đổ thải vật liệu xây dựng chưa được đầu tư thực hiện theo quy hoạch gây gây khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu thi công khi triển khai công tác đổ thải vật liệu dư thừa của các công trình, dự án. Biến động giá nguyên vật liệu, nhân công, giá hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng làm tăng chi phí đầu tư...
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thực tế, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC năm 2024, quyết tâm phấn đấu giải ngân đạt ít nhất 95% tổng kế hoạch được giao, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các ban quản lý dự án và chủ đầu tư đề cao trách nhiệm, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân VĐTC những tháng cuối năm 2024.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân đồng thuận trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, củng cố về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý hồ sơ sử dụng đất ở cấp cơ sở; khẩn trương triển khai các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ các dự án đầu tư công...
Làm tốt công tác giám sát trong lĩnh vực đầu tư công; theo dõi, kiểm tra và đánh giá kế hoạch, dự án đầu tư công; linh hoạt trong điều chỉnh VĐTC từ dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao.
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt về giải ngân VĐTC; quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chậm giải ngân VĐTC do lỗi chủ quan…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh