Tiếp tục chương trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Toàn cảnh phiên họp chiều 25/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước.
Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật này.
Tại phiên thảo luận tổ đã có 86 lượt ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trong phiên họp chiều 25/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận về 5 vấn đề gợi ý thảo luận đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục và những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo cần có chế tài xử lý những hành động lợi dụng việc treo băng zôn và biển quảng cáo 6 tháng đến 1 năm để không mất kinh phí quảng cáo làm lợi cho cá nhân, doanh nghiệp.
Cần điều chỉnh nội dung cung cấp hồ sơ, văn bản chứng minh quyền sở hữu băng zôn, quảng cáo cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, cần loại bỏ quy định bắt buộc phải có phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo bởi quy định này gây phức tạp và thiếu thực tế.
Quan tâm đến nội dung quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu nội dung “thành lập hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo” vì việc thành lập này sẽ phát sinh thêm nhiều hồ sơ, thủ tục rất phức tạp, tốn kém và dễ gây chồng chéo giữa các luật đang hiện hành.
Tại phiên thảo luận hội trường chiều 25/11, những kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã được gửi bằng văn bản đến cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa để hoàn thành dự thảo luật.
Cũng trong chiều 25/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Thiệu Vũ