Chiều 22/11, UBND tỉnh tổ chức phiên họp chuyên đề để bàn và thông qua các nội dung trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024. Các đồng chí: Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Thị Kim Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp UBND tỉnh. Ảnh: Khánh Linh
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, 14/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ước GRDP cả năm tăng 7,5 - 7,8% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8 - 7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng từ 7,5 - 8,5%).
Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt khoảng 172 - 173 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 8,8 - 9,3% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 140 triệu đồng/năm, tăng 7,5 - 8%, tương đương tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Khánh Linh
Tổng vốn đầu tư FDI thu hút ước đạt 600 triệu USD, bằng 150% kế hoạch, tương đương với năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 30,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt trên 25 nghìn tỷ đồng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng; dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 200 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thông minh, 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khánh Linh
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2024 là năm thứ hai liên tiếp Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%, giảm 0,175% so với năm 2023.
Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Thân Văn Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khánh Linh
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước chỉ bằng 95,9% dự toán. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt thấp. Số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm so với năm 2023, trong khi số doanh nghiệp giải thể tăng 8,4% so với năm 2023.
Sản xuất công nghiệp chưa phục hồi toàn diện, sản lượng sản xuất của một số sản phẩm chủ lực đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách còn chưa cao. Hiệu quả từ du lịch chưa cao khi số lượng khách đến Vĩnh Phúc đông nhưng doanh thu từ du lịch còn thấp (10,5 triệu lượt khách, doanh thu 4 nghìn tỷ đồng)…
Về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8 - 9% so với năm 2024. Tổng thu ngân sách phấn đấu đạt trên 27 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt trên 22 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư đạt 500 triệu USD vốn FDI và 2.200 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3%...
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Chí Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khánh Linh
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của UBND tỉnh, đồng thời làm rõ các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025, điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng; công tác quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch; hoạt động xúc tiến đầu tư; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải ngân vốn đầu tư công; xử lý tồn tại vi phạm đất đai, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách Nhà nước…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khánh Linh
Đồng tình, đánh giá cao các ý kiến phát biểu cũng như các nội dung trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu bổ sung vào báo cáo những văn bản, quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nhất là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những nguyên nhân tác động đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thời gian qua; đánh giá bối cảnh phát triển kinh tế, những thuận lợi, khó khăn, thách thức.
Cùng với đó, xem xét tăng chỉ tiêu thu hút vốn FDI từ 500 lên 600 triệu USD; thu hút DDI tăng lên 3.000 tỷ đồng. Bổ sung các giải pháp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang tồn tại, kéo dài, nhất là các dự án đầu tư ngoài ngân sách; các nhiệm vụ, giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công theo quy định của pháp luật…
Tại phiên họp, UBND tỉnh đã thảo luận, thống nhất thông qua báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; các nội dung báo cáo theo luật định và các nội dung chuyên đề trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024.
Nguyễn Khánh