Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn với hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua đó nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) là 1 trong 13 đơn vị thành viên của Tập đoàn Quế Lâm, được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2019 với 2 hệ thống dây chuyền sản xuất phân bón, công suất 100 nghìn tấn một năm.
Đây là nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tự động hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tất cả các sản phẩm được sản xuất và phân phối trên thị trường đều tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và của ngành.
Nhận thấy Vĩnh Phúc có nguồn phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi rất thuận lợi cho việc cung cấp nguyên liệu làm phân bón hữu cơ; đồng thời tỉnh có vị trí thuận lợi xây dựng mạng lưới cung cấp nông sản, phân bón cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Tập đoàn Quế Lâm đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh có công nghệ hiện đại.
Hằng năm, công ty thu gom hàng nghìn tấn phụ phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… của tỉnh và các tỉnh lân cận làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng.
Ngoài ra, công ty phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng nhiều mô hình trồng lúa hữu cơ, rau hữu cơ tại thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên), xã Nguyệt Đức (Yên Lạc), thị trấn Thổ Tang, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch… thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển.
Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh được thành lập tháng 5/2021 với quy mô sản xuất 1.500 - 2.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hoạt động trong lĩnh vực chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa bò tươi.
Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến sữa bò, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Thế Hùng
Hiện thực hóa ý tưởng “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi nguyên chất của xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường”, ông Nguyễn Tiến Lộc, Giám đốc công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất, thiết bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các sản phẩm sữa của công ty được sản xuất theo quy trình ủ lên men tự nhiên từ sữa bò tươi 100% nguyên chất và các nguyên liệu tự nhiên như gạo nếp cẩm, đường kính trắng, mứt quả. Vì vậy, các sản phẩm mang thương hiệu “Sữa Vĩnh Tường” giữ lại trọn vẹn lượng vitamin và khoáng chất từ sữa bò tươi nguyên chất.
Để tối ưu quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, đầu năm 2024, công ty đầu tư hơn 2 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thiết bị như máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa công suất 1.000 lít/giờ với công nghệ thanh trùng tấm bản; đầu tư hệ thống lò hơi đốt than.
Năm 2023, các sản phẩm của công ty gồm sữa tươi thanh trùng không đường, sữa tươi thanh trùng có đường, sữa chua Vĩnh Tường, sữa chua nếp cẩm Vĩnh Tường, sữa chua uống… được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh.
Hiện công ty đang sản xuất 10 dòng sản phẩm và sẽ phát triển lên 35 sản phẩm vào năm tới khi giai đoạn II của nhà máy hoàn thành. Trong tháng 9/2024, công ty đã ký được nhiều đơn hàng với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ sữa với sản lượng vài trăm tấn/năm. 10 tháng năm 2024, công ty đạt doanh thu hơn 14 tỷ đồng
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo gắn với thế mạnh địa phương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 nghìn dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có nhiều dự án gắn với thế mạnh địa phương, qua đó lan tỏa, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp đến các doanh nghiệp, thanh niên trẻ, góp phần khai thác và tối ưu hóa các thế mạnh của địa phương. Năm 2023, Vĩnh Phúc xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.
Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là lực lượng thanh niên, sinh viên.
Đẩy mạnh liên kết với mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, các quỹ đầu tư khởi nghiệp trong nước, quốc tế để thu hút và huy động nguồn lực hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về liên kết, chuyển giao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển.
Mai Liên