Đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bị dự báo vẫn còn đứng trước nhiều thách thức từ sự tác động của các biến động chính trị, và điểm sáng không nhiều.
Công ty phân tích Moody's và Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng S&P Ratings vừa công bố các báo cáo về tình hình kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Cả hai báo cáo này đều nhấn mạnh sự ảnh hưởng của biến động chính trị thế giới đến các nền kinh tế trong khu vực.
Hàng hóa Trung Quốc có thể sắp bị Mỹ tăng thuế.
Tác động lớn
Theo báo cáo của S&P Ratings, khi ông Donald Trump tiếp nhận nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần thứ 2 vào đầu năm sau, chính sách thương mại và đối ngoại của nước này nhiều khả năng làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế APAC. Các tổ chức tài chính ở khu vực sẽ bị điều hướng chính sách sâu sắc do thách thức vừa nêu.
Khi Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu và làm trầm trọng thêm áp lực giảm phát của Trung Quốc. Mặc dù các biện pháp gần đây của chính quyền Trung Quốc đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản nhưng tình trạng dư thừa năng suất trong các ngành liên quan vẫn tiếp diễn. Thực tế này tạo ra áp lực cho sản phẩm liên quan ngành bất động sản như vật liệu xây dựng, xây dựng và kim loại… ở Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trong khu vực.
Trong khi đó, Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì hàng hóa trong ngắn hạn có thể tăng giá, khiến Cục Dự trữ liên bang nước này (Fed) có thể ngưng cắt giảm lãi suất. Kịch bản này xảy ra sẽ tác động không nhỏ đến chính sách tài chính của ngân hàng trung ương các nền kinh tế APAC. Qua đánh giá, S&P Ratings dự báo các nền kinh tế trong khu vực sẽ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng trong năm 2025.
Báo cáo của Công ty phân tích Moody's cũng đưa ra các dự báo tương tự. Bên cạnh đó, Moody's còn đặt ra lo ngại nước Mỹ, trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, tăng thuế đối với nhiều nền kinh tế khác trong APAC. Điều đó có thể khiến các nền kinh tế khác trong khối cũng trả đũa bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ, dẫn đến căng thẳng thương mại lan rộng. Ngoài ra, Mỹ nhiều khả năng sẽ thúc ép các đồng minh ở APAC phải tăng ngân sách quân sự, gây ra gánh nặng tài chính cho các bên.
Những điểm sáng ít ỏi
Mới đây, tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), một báo cáo đã được công bố để đánh giá tác động của biến động chính trị với kinh tế khu vực.
Theo đó, nhìn chung APAC trong vài năm tới tiếp tục tăng trưởng chậm do biến động chính trị dẫn đến căng thẳng thương mại gia tăng, đồng thời còn có sự thiếu chắc chắn về các chính sách vĩ mô, trong khi tình trạng dân số già làm giảm lực lượng lao động và áp lực tài khóa lớn. "Chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm tăng số dòng thuế, đe dọa tăng trưởng thương mại và gây tổn hại cho quan hệ kinh tế giữa các thành viên APEC", bà Rhea C. Hernando, đồng tác giả của báo cáo trên và là một chuyên gia của tổ chức APEC, nhấn mạnh và kêu gọi hình thành cam kết mới đối với hợp tác về các vấn đề thương mại. Theo bà, đây là yếu tố rất quan trọng để duy trì động lực tích cực của APEC khi đối mặt với những thách thức toàn cầu đang phát triển.
Đánh giá triển vọng, báo cáo dự báo hầu hết các nền kinh tế thành viên của APEC sẽ tăng trưởng chậm hơn phần còn lại của thế giới. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của APEC đạt 3,5% trong năm nay, 3,1% vào năm tới và chỉ ở mức 3% vào năm 2026. Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng thương mại lớn nhất ở khu vực sẽ là các nền kinh tế như VN, Trung Quốc đại lục, Singapore và Đài Loan. Đây được xem là một số điểm sáng ít ỏi ở khu vực.
Q.N (theo Báo Thanh niên)