Thực hiện định hướng, chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Vĩnh Phúc chú trọng thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú, giàu đẹp thêm nền văn hóa dân tộc.
Các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn (Lập Thạch) thường xuyên luyện tập, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Ảnh: Kim Ly
Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nêu rõ: “Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ, trong đó, cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên.
Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong cuộc sống; dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm…”.
Sự du nhập của các luồng văn hóa mới trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay đặt ra yêu cầu chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, đó là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với việc đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa...
Người có uy tín đồng bào Cao Lan, xã Quang Yên (Sông Lô) dạy con cháu gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ảnh: Kim Ly
Tư tưởng nhất quán về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thể hiện xuyên suốt trong nhiều bài viết, bài phát biểu, đã được tổng hợp trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng, chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Vĩnh Phúc thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ, tôn tạo; nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, duy trì tổ chức hằng năm; các loại hình diễn xướng nghệ thuật, các phong tục, tập quán, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số được gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện đại. Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Vĩnh Phúc là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác phát triển du lịch.
Các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, làng, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”… được triển khai sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, dòng họ, làng, xã và từng cơ quan, đơn vị.
Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, luyện tập thể dục - thể thao của nhân dân.
Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, con người Vĩnh Phúc đến các tỉnh, các vùng, miền trong cả nước và các quốc gia, lãnh thổ có quan hệ kết nghĩa, hợp tác trên các lĩnh vực với tỉnh; tiếp thu những tinh hoa, các giá trị tiến bộ của văn hóa nhân loại để bồi đắp và xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Để tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Vĩnh Phúc tập trung xây dựng con người phát triển toàn diện, phát huy ý chí, sức sáng tạo, khát vọng phát triển của mỗi người dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học.
Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị của tỉnh, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ động giao lưu, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bạch Nga