Quy hoạch vùng đô thị, công nghiệp trung tâm tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt và công bố mới đây có vai trò quan trọng để tạo nên sức mạnh liên kết, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế vùng theo hướng hiệu quả và bền vững.
Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng đô thị, công nghiệp trung tâm tỉnh bao gồm thành phố Vĩnh Yên và các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ).
Đây là khu vực có quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông, năng lượng phát triển, có thể sử dụng các dịch vụ sẵn có từ thành phố Vĩnh Yên, thuận lợi cho phát triển đô thị, dịch vụ và hình thành các khu công nghiệp (KCN); các trung tâm thương mại cấp vùng, trong khu vực có khu du lịch Đại Lải, Đầm Vạc, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và các điểm đến có cảnh quan đẹp.
Vĩnh Phúc là điểm đến của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, đem lại giá trị gia tăng và sự phát triển bền vững. (Trong ảnh: Sản xuất xe máy tay ga cao cấp tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, KCN Bình Xuyên). Ảnh: Chu Kiều
Phương án phát triển vùng đô thị và công nghiệp trung tâm là tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên theo hướng hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II trực thuộc tỉnh; đô thị Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương là đô thị loại IV với định hướng thành thị xã Vĩnh Tường và thị xã Bình Xuyên, đầu tư xây dựng thị trấn Tam Hồng, Hợp Hòa, Thổ Tang, Tứ Trưng.
Mở rộng các khu đô thị, khu dân cư mới tại hồ Sáu Vó, xã Ngọc Thanh, quanh hồ Đại Lải. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại của khu vực.
Thu hút đầu tư phát triển KCN; tổ chức xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN, CCN. Thu hút dân cư, các dự án đầu tư theo hướng mở rộng về số lượng, nâng cấp chất lượng, mở rộng thêm năng lực cung cấp các loại hình dịch vụ; quy hoạch quỹ đất, tạo mặt bằng thu hút đầu tư hình thành các trung tâm thương mại, chợ tại thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, các khu vực dự kiến hình thành đô thị.
Đối với phát triển đô thị động lực, tỉnh quy hoạch phát triển thành phố Vĩnh Yên đóng vai trò đô thị động lực của vùng đô thị - công nghiệp - thương mại - dịch vụ, có vai trò là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, đồng thời là trung tâm đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong đó xác định đô thị động lực thời kỳ 2021 - 2030 có vai trò lớn hơn trong đóng góp vào tỷ trọng giá trị kinh tế toàn tỉnh. Theo đó, vùng trung tâm sẽ đóng vai trò trọng yếu trong thúc đẩy đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Vĩnh Phúc, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu phạm vi toàn vùng của tỉnh.
Định hướng lớn của đô thị động lực là quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị tại các phường, xã phía Nam thành phố nhằm mở rộng quy mô đô thị, thúc đẩy đô thị hóa, hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, các khu đô thị mới.
Quá trình phát triển các đô thị mới tại phía Nam thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Vĩnh Tường và xã Ngọc Thanh được điều hành phát triển trong mối tương quan với tiến độ thu hút đầu tư phát triển các KCN, CCN Nam Bình Xuyên - Yên Lạc và Tam Dương. Trên cơ sở quy hoạch mới, tạo địa bàn phát triển mới ở thành phố, tổ chức thu hút đầu tư, thúc đẩy mở rộng quy mô, nâng cấp phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Đồng thời đầu tư các công trình hạ tầng lớn, có vai trò thúc đẩy thành phố phát triển gồm các tuyến đường kết nối với Hà Nội tại khu vực Yên Lạc - Vĩnh Tường, đường Vành đai 5, đường kết nối huyện Mê Linh sang huyện Bình Xuyên, Quốc lộ 2... Xây dựng các trục đường, phố chính đô thị theo quy hoạch nhằm kết nối các phường nội thị (đô thị lõi) với các xã, phường nhằm sớm hình thành hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển cho khu vực trung tâm tỉnh.
Theo đó, tỉnh quy hoạch, mở rộng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN phía Nam Bình Xuyên nhằm thu hút các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy chuyển dịch lao động sang khu vực phi nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đô thị hóa các khu vực lân cận thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên.
Đặc biệt, sau khi cảng cạn ICD Hương Canh đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển cho các KCN, CCN tại Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc.
Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt từ 10,5 - 11%/năm; tổng sản phẩm GRDP ước đạt hơn 478 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân/người đạt khoảng 285 triệu đồng/năm. Việc tỉnh chủ động quy hoạch để hình thành các vùng kinh tế - xã hội nhằm tạo sức mạnh liên kết để giải quyết triệt để các vấn đề mà từng địa phương đơn lẻ theo địa giới hành chính riêng không giải quyết được; đồng thời đảm bảo tính thống nhất chung toàn tỉnh trong việc phát triển đồng bộ và bền vững.
Việc xác định vùng đô thị động lực trung tâm là cơ sở khoa học để phân vùng phát triển, phân bổ các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị; bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dùng chung, đầu tư trọng tâm, phục vụ hiệu quả hơn trong tương lai.
Đồng thời sẽ hình thành vùng trọng điểm sản xuất công nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ - thương mại phát triển nhanh, bảo đảm sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, có thể phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương trong vùng.
Sự điều hành, chỉ đạo thống nhất chung góp phần khắc phục được tình trạng địa phương chủ nghĩa, cục bộ, gây nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội, tạo sức bật phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
Xuân Hùng