Ngày 14/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tham dự phiên họp.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2,5 ngày (dự phòng 1 ngày) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phiên họp sẽ xem xét, thông qua rất nhiều nội dung, nhất là cho ý kiến tiếp thu, giải trình các dự án luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Theo tờ trình của Chính phủ, đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, giảm nhiều nhất là thành phố Hà Nội (53/109 đơn vị), Thành phố Hồ Chí Minh (39/80 đơn vị), tỉnh Phú Thọ (18/31 đơn vị) và tỉnh Vĩnh Phúc (15/28 đơn vị).
Theo Đề án của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện bắt buộc sắp xếp, có 22/136 đơn vị hành chính cấp xã (19 xã, 2 phường và 1 thị trấn) thuộc diện bắt buộc sắp xếp.
Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 28 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 16/22 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp; 12 đơn vị liền kề có liên quan); không thực hiện sắp xếp đối với 6/22 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp do có yếu tố đặc thù.
Các đại biểu dự Phiên họp.
Đề án của Chính phủ đã xây dựng 13 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phương án nhập 3 dơn vị hành chính cấp xã để hình thành 1 đơn vị hành chính cấp xã; 11 phương án nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 1 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau sắp xếp, tỉnh Vĩnh Phúc giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã, từ 136 đơn vị xuống còn 121 đơn vị (gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn).
Việc tổ chức, kiện toàn các cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp của 12 tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Đảng, Điều lệ của tổ chức và pháp luật hiện hành.
Sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoat động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp huyện có 136 người dôi dư; cấp xã có 3.342 người dôi dư. Đồng thời, cấp huyện có 9 trụ sở dôi dư; cấp xã có 329 trụ sở dôi dư.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện lãnh đạo UBND 12 tỉnh, thành phố trình bày phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư; giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.
Với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án sáp nhập cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố. Thời điểm có hiệu lực thi hành của các nghị quyết từ ngày 1/1/2025, riêng đối với nghị quyết của tỉnh Sơn La từ ngày 1/2/2025.
Thiệu Vũ