Dự thảo Luật Dữ liệu là một trong những dự thảo luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước bởi sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Xu thế tất yếu
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, như Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc... Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước.
Ttừ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số.
Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm Dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý Nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Khẳng định việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: Đây là dự án luật khó, tác động sâu sắc tới quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề mới đang hình thành phát triển. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện hồ sợ dự thảo luật.
Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là động lực mới cho phát triển và cần có chính sách đặc thù vượt trội.
Hướng đến quyền lợi của người dân
Được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Dữ liệu nhận được sự tán thành rất lớn từ các đại biểu Quốc hội.
Thảo luận tại các phiên họp, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng dự thảo luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo, góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội và Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Tham gia ý kiến về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần làm rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Quỹ này được thành lập ở Trung ương, thuộc cơ quan nào quản lý; về mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của quỹ cần được làm rõ hơn.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Ban soạn thảo dự án luật rà soát các ưu tiên chi các hoạt động tại khoản 3 của Điều 29 để tránh trùng lặp với các hoạt động chi của các loại quỹ khác, bao gồm cả quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam…
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề xuất cần cân nhắc việc thành lập quỹ, bởi vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước.
Quan tâm đến vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân, nhiều đại biểu đề nghị cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý. Bởi vậy, dự thảo cần nghiên cứu và quy định rõ hơn để đảm bảo tính thống nhất.
“Việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số” - đại biểu Trần Văn Tiến chia sẻ.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ