Nhận thức đầy đủ và sâu sắc quan điểm "Nhà giáo là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục", tỉnh luôn chú trọng thực hiện các giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, vừa "hồng", vừa "chuyên", tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT).
Với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã góp phần động viên đội ngũ giáo viên chuyên tâm với nghề. Ảnh: Kim Ly
Thời gian qua, ngành GDĐT tỉnh tích cực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Ngành GDĐT tỉnh triển khai rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục, trong đó ưu tiên tuyển dụng đủ số lượng và cơ cấu giáo viên theo yêu cầu đổi mới giáo dục; đẩy mạnh tuyển dụng giáo viên giỏi theo chính sách thu hút nhân tài với nhiều chính sách đãi ngộ, trọng dụng.
Năm 2023, Sở GDĐT đã tuyển dụng hơn 10 giáo viên cho Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; các huyện, thành phố tuyển dụng gần 700 giáo viên cho các cấp học mầm non, tiểu học và THCS; trong đó, 59 giáo viên được tuyển dụng theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục, Sở GDĐT tham mưu Tỉnh ủy ban hành nghị quyết phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164 thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2023, Sở GDĐT tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng với các nội dung thiết thực như Chương trình GDPT 2018, khoa học tâm lý, phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, kỹ năng truyền cảm hứng trong giảng dạy môn Ngữ văn, Hóa học, Sinh học, Vật lý… giúp CBQL, giáo viên nâng cao năng lực quản lý, năng lực giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Các trường học đều chủ động xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBQL, giáo viên; đồng thời khuyến khích CBQL, giáo viên phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng theo phương châm “mỗi trường học trở thành một trung tâm bồi dưỡng giáo viên”…
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường) luôn nỗ lực dạy tốt. Ảnh: Kim Ly
Đến nay, toàn ngành GDĐT tỉnh có hơn 18.000 CBQL, giáo viên, nhân viên; trong đó, 95 - 100% CBQL, giáo viên đạt chuẩn về trình độ và tỷ lệ CBQL, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn ngày càng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ cũng được thực hiện đúng quy định, đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Sở GDĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát và bổ sung quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của đơn vị, thực hiện nghiêm các chỉ tiêu về tỷ lệ viên chức được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo bước đột phá để phát triển giáo dục, ngành GDĐT tham mưu tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo như chính sách hỗ trợ CBQL, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non; một số chính sách đặc thù đối với CBQL, giáo viên và học sinh trường THCS trọng điểm; một số chính sách đặc thù đối với Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế; chính sách thưởng cho học sinh đạt giải, giáo viên bồi dưỡng, huấn luyện học sinh đạt giải tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao học sinh toàn quốc… Những chính sách đãi ngộ góp phần tích cực động viên giáo viên chuyên tâm với nghề và thu hút nhân tài.
Hằng năm, Sở GDĐT phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức tuyên truyền và phát động cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công tác”… nhằm hướng đến xây dựng mỗi cơ sở giáo dục là môi trường an toàn, hạnh phúc.
Mỗi năm, toàn ngành GDĐT có khoảng 500 nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển” với hàng nghìn cá nhân đăng ký tham gia, tạo được khối đoàn kết nội bộ, nhà giáo cùng nhau thi đua, giúp nhau cùng tiến bộ trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống; nhiều sáng kiến, sản phẩm đổi mới, sáng tạo được áp dụng hiệu quả ở cơ sở.
Bên cạnh đó, công tác khen thưởng cũng được ngành GDĐT chú trọng, là một trong những biện pháp khích lệ, động viên tinh thần đội ngũ nhà giáo. Sở GDĐT kịp thời tham mưu, đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền và Bộ GDĐT khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ CBQL, giáo viên.
Ngành còn tiếp tục đề xuất tỉnh và huy động các nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhà giáo, CBQL giáo dục, nhất là những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn để đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục yên tâm gắn bó với nghề.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Khương Duy cho biết: “Trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc đổi mới giáo dục, việc chăm lo và phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục đóng vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục và sự nghiệp phát triển của mỗi địa phương.
Với các giải pháp đồng bộ, Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục chất lượng, tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục hiện đại.
Đây chính là nền tảng vững chắc để ngành GDĐT tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh “trồng người” cao quý, đào tạo ra những thế hệ trẻ đủ đức, trí, tâm, phục vụ công cuộc phát triển quê hương, đất nước”.
Minh Hường