Thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Lập Thạch tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ sản xuất theo số lượng sang chất lượng, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hằng năm trên địa bàn huyện Lập Thạch khoảng 9.760 ha, trong đó, diện tích trồng cây hằng năm đạt hơn 6.300 ha.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Nguyễn Trung Kiên, xã Vân Trục cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên cơ sở nguồn lực về đất đai, huyện định hướng người dân tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, gắn với thế mạnh mỗi địa phương và quy hoạch vùng sản xuất.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất lương thực tại 18/20 xã, thị trấn; vùng sản xuất cây hằng năm tại các xã Đồng Ích, Xuân Hòa, Xuân Lôi, Triệu Đề, Văn Quán, Tiên Lữ…; vùng chăn nuôi tập trung tại các xã Quang Sơn, Liễn Sơn, Thái Hòa…
Bên cạnh đó, một số địa phương trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất một số sản phẩm chủ lực, có thương hiệu như cá thính Lập Thạch, thanh long ruột đỏ tại 5 xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa, Quang Sơn, Hợp Lý.
Triển khai chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, năm 2023, huyện Lập Thạch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ gần 120 tấn lúa giống chất lượng cao cho hơn 17.400 hộ dân với năng suất lúa thu hoạch trung bình đạt hơn 60 tạ/ha, gia tăng thu nhập cho nông dân bình quân từ 5-10 triệu đồng/ha/vụ; hỗ trợ sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP trên tổng diện tích 17 ha cho hơn 220 hộ dân tham gia sản xuất; hỗ trợ cá giống trên tổng diện tích nuôi 10 ha, cho thu nhập trung bình đạt từ 180 - 200 triệu đồng/ha; hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc hơn 77 nghìn con, gia cầm 458 nghìn con; phun khử trùng, tiêu độc cho hơn 28 nghìn hộ chăn nuôi…
Lồng ghép chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2023, huyện đã hỗ trợ xây dựng 4 sản phẩm OCOP gồm gà ủ muối A Phớt, xã Văn Quán; thịt chua, xã Văn Quán; cá thính Lan Anh, xã Xuân Lôi; thanh long ruột đỏ, xã Vân Trục.
Với chất lượng vượt trội, sản phẩm cá thính và tương nếp của HTX Tổng hợp Tuấn Hưng, xã Tiên Lữ được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Nguyễn Lượng
Bên cạnh đó, huyện tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời triển khai các mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nhân rộng, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Là một trong những hộ trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên tại xã Vân Trục có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Australia, anh Nguyễn Trung Kiên, xã Vân Trục cho biết: "Trước đây, diện tích đất canh tác của gia đình chủ yếu trồng bạch đàn, cho hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ sự định hướng, hỗ trợ của địa phương, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng bạch đàn sang trồng khoảng 3 ha thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chất đất phù hợp kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác giúp sản phẩm thanh long của gia đình có chất lượng vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, mang lại doanh thu cho gia đình hơn 1 tỷ đồng mỗi năm”.
Hiện nay, thanh long ruột đỏ đã được huyện Lập Thạch xây dựng thành sản phẩm OCOP. Với chất lượng vượt trội, thanh long ruột đỏ Lập Thạch có đầu ra ổn định tại một số chuỗi siêu thị lớn trong nước và được xuất khẩu sang thị trường quốc tế, giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch, Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng từ sản xuất số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được nông dân đón nhận, chủ động tiếp cận, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 115 triệu đồng.
Với mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 6,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng, huyện Lập Thạch tiếp tục vận dụng linh hoạt, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân đưa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tích cực hỗ trợ nông dân trong việc quảng bá thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng sản phẩm OCOP.
Tập trung thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng để tăng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khuyến khích thành lập các tổ liên kết, hợp tác xã kiểu mới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quy mô lớn, có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân.
Hoàng Sơn