Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 5 Dương Văn An điều hành thảo luận.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc tham gia thảo luận tại Tổ 5, gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam và Kiên Giang. Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 5 điều hành thảo luận.
Điều hành, phát biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Dương Văn An đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công đến nay chưa đạt 50% kế hoạch, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp hữu hiệu hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch trong những tháng cuối năm.
Đồng chí Dương Văn An cho rằng: Chính phủ cần có chỉ đạo về tiến độ giải ngân đồng đều theo quý, tránh tình trạng đầu năm thong thả cuối năm đốc thúc. Bên cạnh đó, cần tính toán lại định hướng xây dựng đầu tư công giai đoạn tiếp theo nhằm đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả hơn.
Liên quan đến việc xử lý sai phạm sau kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đề nghị Chính phủ quan tâm, quyết liệt hơn để rút ngắn thời gian chỉ đạo giải quyết khắc phục các vi phạm, sai phạm được các kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin về những chỉ đạo điều hành của Chính phủ và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông tin tới các đại biểu những chỉ đạo điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận.
Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến đều cho rằng, các số liệu trong báo cáo là rất đầy đủ, sinh động, toàn diện những mặt làm được và những mặt còn hạn chế; các giải pháp được Chính phủ đề ra mang tính khả thi cao.
Ấn tượng với kết quả của 3 khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đều có tăng trưởng cao hơn so với năm 2023, góp phần để kinh tế ổn định và tăng trưởng, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cũng lưu ý, Chính phủ ước thực hiện thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% dự toán giao.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận.
Tuy nhiên, thiệt hại của bão số 3 gây ra đã làm ảnh hưởng đến số thu của 26 địa phương và thực hiện một số chính sách giảm số thu ngân sách. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của số thu ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2024.
Nhấn mạnh năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, có ý nghĩa quan trọng, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ quan tâm đúng mức đến phát triển tài chính xanh; chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các doanh nghiệp và ngân hàng; có quy định cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh như làm rõ tiêu chí xanh, thước đo môi trường, hệ sinh thái…
Buổi chiều, các ĐBQH tiếp tục chương trình, nội dung thảo luận tại tổ.
Thiệu Vũ