Nắm bắt được những khó khăn trong sản xuất vụ Đông, ngay từ đầu vụ Mùa, UBND huyện Lập Thạch đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các xã, thị trấn trong huyện rà soát lại toàn bộ diện tích gieo trồng, phân loại diện tích theo từng loại đất, nhất là diện tích phải chuyển đổi sang trồng cây rau màu và cây ngắn ngày; đồng thời xây dựng phương án tưới tiêu, phòng chống dịch bệnh hiệu quả...
Nông dân xã Đồng Ích chăm sóc cây vụ Đông.
Nông dân xã Đồng Ích chăm sóc cây vụ Đông.
Vụ Đông năm 2024, huyện Lập Thạch phấn đấu gieo trồng 2.100 ha, trong đó cây ngô 1.100 ha, cây khoai lang 200 ha, cây rau các loại 300 ha...
Xác định vụ Đông có vai trò quan trọng trong giá trị kinh tế nông nghiệp của huyện, nhất là việc ổn định an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người dân, ngay từ đầu vụ Mùa, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất, giao chỉ tiêu cho các địa phương; ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, quả, cây ưa lạnh, cây trung tính; mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thực hiện đồng bộ các biện pháp trong thâm canh cây trồng để hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Khai thác triệt để điều kiện đất đai, khả năng thủy lợi của từng địa phương nhằm tạo ra sản phẩm cho năng suất, chất lượng, giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa; tích cực hướng dẫn bà con nông dân về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vụ Đông để đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao; thông báo rộng rãi lịch gieo trồng và triển khai kịp thời cơ chế hỗ trợ của tỉnh trong sản xuất vụ Đông năm 2024 để nông dân nắm bắt được, từ đó có phương án sản xuất phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày đầu tháng 9 trên địa bàn huyện có mưa lớn kéo dài, nước lũ từ các tỉnh phía Bắc đổ về sông Lô và sông Phó Đáy đã làm ngập sâu 16 thôn của 3 xã Đồng Ích, Triệu Đề, Sơn Đông. Ngoài ra, còn có một số hộ dân ở phía ngoài đất bãi thuộc các xã, thị trấn Liên Hòa, Quang Sơn, Hoa Sơn cũng bị ngập sâu trong nước.
Tại Cống Đè Cả, thôn Đại Lữ, xã Đồng Ích bị sụt lún, sạt lở, sập cống làm hư hỏng một phần tuyến nội đồng dài hơn 100 m; 1 cánh cống tiêu Cầu Triệu bị bung làm cho nước chảy ngược vào đồng ruộng gây ngập úng hàng trăm ha lúa và hoa màu.
Tổng diện tích cây trồng vụ Mùa ngập úng bởi bão số 3 toàn huyện là hơn 1.024/2.841 ha, chiếm 36% tổng diện tích vụ Mùa, trong đó hơn 550 ha lúa bị ngập sâu. Mưa bão số 3 gây thiệt hại trên địa bàn huyện 701 ha hoa màu khiến việc bố trí sản xuất vụ Đông trở lên khó khăn hơn các năm trước.
Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện Lập Thạch Nguyễn Mạnh Tưởng cho biết: "Để thực hiện kế hoạch gieo trồng trong khung thời vụ, ngay sau bão số 3, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo sản xuất vụ Đông; phân công mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từ 1 - 2 xã, thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến tình hình báo cáo về UBND huyện để có phương án xử lý hiệu quả.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến ngày 5/9, toàn huyện đã thu hoạch xong diện tích vụ Mùa; đồng thời gieo trồng được hơn 1.143 ha, đạt 56% kế hoạch. Trong đó, cây lương thực có hạt đạt 765 ha, đạt 70% diện tích kế hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3, một số diện tích ngập sâu, nước rút chậm nên kế hoạch gieo trồng đã bị chậm. Bên cạnh đó, có thêm khó khăn khách quan do hệ thống thủy lợi ở một số địa phương sạt lở, vỡ chưa khắc phục được do thiếu kinh phí đã làm chậm tiến độ sản xuất gieo trồng vụ Đông.
Xã Đồng Ích là địa phương có diện tích cây vụ Đông lớn nhất huyện. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã Đồng Ích Triệu Đức Cảnh cho biết: "Vụ Đông năm 2024, toàn xã phấn đấu gieo trồng hơn 300 ha cây rau màu, trong đó có 50 - 60 ha trồng ngô; 40 - 50 ha trồng khoai lang; 10 - 12 ha trồng cây đậu tương...
Do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm hư hại gần 1 km kênh mương nội đồng, trong đó hơn 500 m kênh nội đồng bị vỡ, sập chưa khắc phục được do chưa có kinh phí. Đến đầu tháng 10, UBND xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp, các trưởng thôn rà soát, bố trí quy hoạch vùng để trồng loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn ngày phù hợp.
Nông dân làm đất trồng rau trên cánh đồng Vàng, thôn Đại Lữ, xã Đồng Ích.
Đồng thời chỉ đạo tổ chức nạo vét kênh mương, sửa chữa nhỏ hệ thống kênh tưới, tiêu, trạm bơm nhỏ để chủ động bơm nước phục vụ sản xuất kịp thời hiệu quả. Đối với 10 ha đất sản xuất bị ngập lụt ở 4 khu vực gồm thôn Đại Lữ, Hoàng Chung, Tân Lập, Xuân Đán chỉ đạo nông dân gieo trồng cây ngắn ngày vào thời gian từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11. Phấn đấu gieo trồng đạt hơn 95% diện tích trong khung thời vụ".
Để đảm bảo diện tích, năng suất, cơ cấu cây trồng, UBND huyện Lập Thạch đang tích cực chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện và UBND các xã, thị trấn rà soát lại diện tích vụ Đông, nhất là các xã vùng trũng bị ngập lụt như Sơn Đông, Đồng Ích, Liên Hòa, Tiên Lữ.
Thực hiện tốt công tác dự thính, dự báo thời tiết, sâu bệnh, chuột hại cây trồng, đảm bảo chính xác, kịp thời, khoa học; đẩy mạnh áp dụng biên pháp “3 giảm, 3 tăng” và hệ thống canh tác cải tiến; biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; quản lý cây trồng tổng hợp trên các loại cây trồng.
Chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo, UBND các xã, thị trấn thống nhất lịch tưới tiêu cụ thể đảm bảo cung ứng đủ nước kịp thời cho sản xuất vụ Đông. Phấn đấu toàn huyện gieo trồng đạt từ 95% diện tích kế hoạch trong khung thời vụ .
Bài, ảnh: Xuân Hùng