Cận thị học đường đã trở thành vấn nạn ở lứa tuổi học sinh. Tại khắp các địa phương trong tỉnh, tỷ lệ cận thị ở học sinh ngày càng tăng, ảnh hưởng đến việc học tập và vui chơi của trẻ.
Thực trạng đáng báo động
Theo số liệu thống kê mới nhất, cả nước hiện có khoảng 5 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị). Đối tượng phổ biến nhất mắc cận thị là trẻ từ 6-15 tuổi, với tỷ lệ 20-40% ở khu vực thành thị, 10-15% ở khu vực nông thôn.
Tại Vĩnh Phúc, tìm hiểu thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh không khó để tìm thấy những lớp học tỷ lệ học sinh lớp 3-4 bị cận thị chiếm tới 10-15%, thậm chí cao hơn, trong đó có những em cận tới 5-6 đi-ốp; còn với học sinh THPT, tỷ lệ cận có lớp lên tới 40-50%. Càng những trường ở trung tâm thành phố, số học sinh mắc cận thị càng nhiều.
Ngày càng có nhiều trẻ em bị cận thị. Ảnh: Kim Ly
Đưa con trai học lớp 3 đi khám mắt trước khi năm học mới bắt đầu, chị Lê Thị Hà ở xã Thanh Vân, huyện Tam Dương rất bất ngờ khi bác sĩ cho biết độ cận của con đã hơn 3 đi-ốp. Theo lời kể của chị Hà, sau mấy tháng hè xem tivi, điện thoại thường xuyên, chị thấy mắt con có hiện tượng kém hơn, hay nhìn nhầm, viết thường bị lệch dòng, không đủ ô ly theo cô hướng dẫn… nên đã cho con đi khám.
"Tôi không nghĩ con mình bị cận thị vì cháu vẫn xem tivi, ngồi máy vi tính chơi game bình thường. Đến khi đi khám bác sĩ thông báo kết quả đo thị lực, tôi mới biết con mình có thể đã bị cận từ lâu" - chị Hà chia sẻ.
Được cô giáo chẩn đoán mắc tật khúc xạ do nhìn gần không thấy rõ bằng nhìn xa, em Nguyễn Tuấn Minh, học sinh lớp 6 tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cũng được mẹ đưa tới bệnh viện khám. Kết quả đo thị lực cũng phát hiện một mắt của cháu bị viễn thị kèm loạn thị, mắt còn lại thị lực cũng kém.
Nguyên nhân khiến tình trạng cận thị gia tăng được xác định là do môi trường sinh hoạt và lối sống, giảm các hoạt động ngoài trời, tập trung quá nhiều vào các hoạt động nhìn gần khi lạm dụng các thiết bị như tivi, máy vi tính, điện thoại, iPad… khiến mắt luôn trong trạng thái hoạt động quá mức, lâu dần thị lực suy giảm, cận thị đến sớm và dễ tăng nặng hơn.
Không chủ quan
Không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả học tập của trẻ, đồng thời khiến trẻ bị hạn chế trong việc khám phá thế giới xung quanh cũng như tham gia các hoạt động trải nghiệm… cận thị còn là nguyên nhân chính gây mất thị lực và đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù lòa.
Các chuyên gia y tế cho biết: Khi bị cận thị, nhiều người coi kính cận là “cứu tinh” cho đôi mắt nhưng thực chất, việc đeo kính chỉ giúp nhìn rõ hơn chứ không giúp ngăn ngừa tình trạng tiến triển của cận thị, không phải giải pháp điều trị triệt để. Bên cạnh đó, nếu độ cận tiếp tục tiến triển (trên 6 đi-ốp) thì nguy cơ gặp biến chứng ở mắt và mù lòa là rất lớn.
Học sinh trong tỉnh thường xuyên được thăm khám, đo thị lực miễn phí ngay tại trường. Ảnh: Kim Ly
Đáng chú ý, cận thị tiến triển có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dịch kính, thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc… nguy cơ mù lòa vĩnh viễn rất cao. Hơn nữa, người cận thị còn có nguy cơ mắc bệnh lý mắt cao hơn các đối tượng khác. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, cận thị khiến bệnh đục thủy tinh thể, glôcôm… đến sớm hơn đến 10 năm và đây đều là những bệnh lý mắt có tỷ lệ gây mù hàng đầu hiện nay.
Để phòng tránh cận thị và tật khúc xạ tuổi học đường, bác sĩ Trần Văn Hà, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: Phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 - 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm.
Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách, vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.
Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ từ 8 - 10 tiếng một ngày; dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể.
Cho trẻ đi khám, kiểm tra mắt 6 tháng một lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.
Thiệu Vũ