Qua gần 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Vĩnh Phúc luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần mở rộng “lưới an sinh”, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương
Nhân kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập BHXH Vĩnh Phúc (1/10/1997 - 1/10/2024), Giám đốc BHXH Vĩnh Phúc Nguyễn Duy Phương đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với Báo Vĩnh Phúc về chặng đường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của BHXH tỉnh trong 27 năm xây dựng và phát triển?
Đồng chí Nguyễn Duy Phương: 27 năm qua, BHXH Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn.
Tập thể BHXH Vĩnh Phúc luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình an ninh, chính trị ở địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của ngành BHXH Việt Nam.
Ngày đầu thành lập, BHXH Vĩnh Phúc chỉ có 5 phòng nghiệp vụ, 6 BHXH huyện, thành, thị với 52 cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác còn nhiều thiếu thốn.
Đến nay, trụ sở BHXH Vĩnh Phúc và 8/8 BHXH huyện, thành phố đều được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; bộ máy làm việc hoàn chỉnh với 8 phòng nghiệp vụ và 8 BHXH huyện, thành phố với biên chế 266 cán bộ, công chức, viên chức; hơn 90% cán bộ làm chuyên môn nghiệp vụ có trình độ đại học trở lên (trong đó 45% có trình độ thạc sĩ) với đầy đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Nếu như năm 1997, BHXH Vĩnh Phúc quản lý 281 đơn vị với 19.720 lao động tham gia BHXH bắt buộc thì tính đến hết tháng 9/2024 đã quản lý 7.065 đơn vị với gần 1.187.000 lao động, người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tăng gấp 25,1 lần số đơn vị và tăng gấp 60 lần số đối tượng.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,71% dân số, tỷ lệ bao phủ BHXH chiếm 43,9% lực lượng lao động (trong đó BHXH tự nguyện chiếm 3,9%), BHTN chiếm 38,6% lực lượng lao động.
So với các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân theo lộ trình được giao tại Nghị quyết số 28 và Quyết định số 546 của Chính phủ thì đã vượt và về trước đích 1 năm. Số thu tăng lên gấp 425 lần so với năm 1997 và hằng năm, BHXH Vĩnh Phúc đều hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao; nợ đọng được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, luôn nằm trong tốp các tỉnh có tỷ lệ nợ thấp nhất.
Từ năm 1997 đến nay, BHXH Vĩnh Phúc đã giải quyết cho hơn 19,8 nghìn người hưởng lương hưu, 12,7 nghìn người hưởng trợ cấp tử tuất; hơn 110,3 nghìn lượt người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; hơn 1,8 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; hơn 99,3 nghìn lượt người hưởng trợ cấp BHTN…
Để đạt được kết quả trên, BHXH Vĩnh Phúc đã triển khai những giải pháp gì?
Đồng chí Nguyễn Duy Phương: Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, BHXH Vĩnh Phúc luôn tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của BHXH Việt Nam và chủ động làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn.
Tỉnh đã đưa chỉ tiêu người dân tham gia BHXH, BHYT vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng huyện, thành phố và các huyện, thành phố tiếp tục giao chỉ tiêu đến từng xã, phường, thị trấn.
Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đầu tiên và nằm trong số ít địa phương trong toàn quốc có chính sách hỗ trợ người dân khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện như từ năm 2013 đã hỗ trợ 100% BHYT cho hộ cận nghèo; từ năm 2015 hỗ trợ học sinh, sinh viên, người cao tuổi và người thứ nhất trong hộ gia đình tham gia BHYT; từ tháng 8/2020, hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện…
Với phương châm “Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ”, BHXH Vĩnh Phúc đã kiên trì và quyết liệt cải cách hành chính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào thực hiện chuyên môn nghiệp vụ.
Trung bình mỗi năm, BHXH Vĩnh Phúc tiếp nhận và giải quyết hơn 1 triệu lượt hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết qua phương thức điện tử chiếm 80%. BHXH Vĩnh Phúc đã tạo lập được cơ sở dữ liệu điện tử quản lý chuẩn xác, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và liên thông với một số cơ sở dữ liệu của ngành Thuế, Tư pháp.
Hiện nay, BHXH Vĩnh Phúc đang ứng dụng hiệu quả 16 phần mềm nghiệp vụ với 68 dịch vụ công toàn trình và 2 dịch vụ công toàn trình liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch làm việc với cơ quan BHXH.
Công tác truyền thông tiếp tục được triển khai với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp. Công tác thanh tra chuyên ngành được tích cực triển khai và đem lại hiệu quả cao trong việc giảm nợ đọng, tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác thanh tra là 85%; góp phần chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và nhân dân trong tỉnh.
Hướng tới BHXH, BHYT toàn dân, mọi người dân đều được bảo vệ bởi “lưới an sinh”, BHXH Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Duy Phương: BHXH Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các giải pháp mở rộng bao phủ, thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và nhân dân trong tỉnh.
Đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng để “lưới an sinh” bao phủ rộng đến toàn dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Tiếp tục tăng cường và rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình nghiệp vụ; tăng cường chuyển đổi số và thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ để thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngày càng đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh chi trả chế độ qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi và tăng mức độ hài lòng với người tham gia.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lê Mơ (thực hiện)