Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu.
Thực hiện Nghị quyết số 03/2006 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, tổ chức thực hiện; đồng thời có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các cấp, các ngành thành lập, kiện toàn bộ máy quản lý, chỉ đạo ở các cấp theo hướng dẫn của trung ương; thành lập Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình. Lựa chọn 20 xã chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, sau đó chỉ đạo triển khai theo hình thức “cuốn chiếu”.
Có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình như cơ chế hỗ trợ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cho nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh; cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn...
Chủ động lồng ghép các nội dung xây dựng NTM với việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn Vĩnh Phúc đã đổi thay từng ngày.
Kinh tế - xã hội khởi sắc, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống người dân không ngừng cải thiện và nâng lên.
Bộ máy chỉ đạo, quản lý, thực hiện chương trình các cấp được kiện toàn, hoạt động có nền nếp, hiệu quả. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình kịp thời được ban hành.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chương trình; kịp thời ban hành những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các chính sách sát với thực tiễn có tác dụng thiết thực trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện chương trình.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp huyện, cấp xã đã tích cực vào cuộc tổ chức thực hiện hoàn thành những tiêu chí chưa đạt chuẩn theo kế hoạch.
Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015); Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giai đoạn 2016 - 2020; giai đoạn 2021-2025) ở các cấp được thành lập và thường xuyên được kiện toàn. Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được duy trì thường xuyên, hiệu quả.
Thực hiện Quyết định số 1996/2014 và Quyết định số 1920/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế Văn phòng Điều phối NTM các cấp, tỉnh đã thành lập và kiện toàn bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng tăng cường cán bộ chuyên trách.
Cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp thường xuyên được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp.
Giai đoạn 2010-2015, HĐND tỉnh đã ban hành 23 nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình; UBND tỉnh ban hành 25 quyết định để triển khai thực hiện.
Giai đoạn từ năm 2016-2020, HĐND tỉnh đã ban hành mới 10 nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình; UBND tỉnh ban hành 16 quyết định để triển khai thực hiện chương trình.
Giai đoạn 2021-2025, đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 17 nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình; UBND tỉnh ban hành 3 quyết định để hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình.
Các cơ chế, chính sách được tỉnh ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn, trên tất cả các lĩnh vực và nội dung thực hiện xây dựng NTM, trong đó có những cơ chế, chính sách mà Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư (Nghị quyết 38/2019 của HĐND tỉnh), đã giúp các địa phương chủ động trong cân đối, huy động nguồn lực để triển khai thực hiện; góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện chương trình.
Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM đã được quan tâm chỉ đạo, thực hiện với những đổi mới về phương pháp, cách thức nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với xây dựng NTM.
Nội dung tuyên truyền đã tập trung vào phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình, những cách làm hay, mô hình hiệu quả thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, bản tin, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, xuất bản 9 cuốn tài liệu với nội dung tuyên truyền về NTM với tổng số hơn 40.000 bản, phát hành rộng rãi tới Ban Chỉ đạo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, cán bộ tuyên giáo và các chi bộ, đảng bộ trong toàn tỉnh; phát hành 200.000 tờ gấp tuyên truyền về NTM; xuất bản 5.000 cuốn phụ chương Bản tin Sinh hoạt chi bộ, nội dung tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, vai trò, trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp chung sức trong xây dựng NTM. Báo Vĩnh Phúc đã đăng tải trên 7.000 tin, bài, ảnh trên chuyên mục “Vĩnh Phúc chung tay xây dựng NTM”.
Kết quả huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu tỉnh Vĩnh Phúc như sau: Tổng nguồn lực thực hiện là 12.896,962 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 100,86 tỷ đồng, chiếm 0,78%; ngân sách địa phương (NSĐP) là 7.845,669 tỷ đồng, chiếm 60,83%; lồng ghép 770,265 tỷ đồng, chiếm 5,97%; tín dụng 3.230,127 tỷ đồng, chiếm 25,05%; doanh nghiệp 149,962 tỷ đồng, chiếm 1,16%; người dân và cộng đồng 634,88 tỷ đồng, chiếm 4,92%; các nguồn khác 165,199 tỷ đồng, chiếm 1,28%.
Đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh đã có 100% số xã (năm 2019 là 112 xã, nay là 105 xã) được công nhận đạt chuẩn NTM; đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 60 triệu đồng/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,69%; 93% người dân khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế; 4 huyện, thành phố (Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên) được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 66,09%; tỷ lệ người dân nông thôn tham gia BHYT đạt 92%.
Bên cạnh những thành tích đạt được thì kết quả thực hiện chương trình còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn còn thấp so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn chất lượng chưa cao, còn thiếu đồng bộ; quá trình chuyển đổi cơ cấu, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ trong phát triển kinh tế nông thôn còn chậm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn phức tạp, chưa được xử lý hiệu quả; hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch tập trung chưa đáp ứng nhu cầu của cư dân nông thôn; xây dựng cảnh quan, môi trường sống “sáng, xanh, sạch, đẹp” chưa thực sự được quan tâm chỉ đạo, thực hiện; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của từng địa phương chưa trở thành phong trào rộng khắp và bền vững; tình hình an ninh, trật tự xã hội còn tiềm ẩn phức tạp...
Với phương châm xác định xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc để người dân có cuộc sống tốt hơn, bộ mặt nông thôn thay đổi, khởi sắc hơn nên ngay sau khi đạt chuẩn xã NTM, huyện NTM, các địa phương tiếp tục bắt tay vào thực hiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí, về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tạo nên những vùng quê đáng sống được cụ thể hóa bằng mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: “Xây dựng NTM nâng cao theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, văn hóa, xã hội; xử lý tốt ô nhiễm môi trường; phát huy vai trò tự quản của nhân dân; khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng địa phương.
Nâng cao một cách rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội” với mục tiêu “Phấn đấu đến hết năm 2022, toàn bộ các huyện đạt chuẩn NTM; hết năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.
Nguyễn Văn Tranh
(Trường Chính trị tỉnh)