Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh, tạo sức mạnh tổng thể phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với thế mạnh địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ thế mạnh địa phương, đến nay, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Bình Xuyên) đã khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Lượng
Góp phần truyền cảm hứng và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sử dụng nguồn tài nguyên, thế mạnh địa phương, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc gắn với thế mạnh địa phương”.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp gắn kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm từ việc làm mới đặc sản địa phương và những câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo, các bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với thế mạnh địa phương.
Trước đó, năm 2022, tỉnh đã tổ chức "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất năm 2022 (Techfest VinhPhuc 2022)” với sự tham dự của 20 chuyên gia trong và ngoài nước trong các lĩnh vực công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng gần 1.000 đại biểu, giáo viên, học sinh, sinh viên và hơn 6.000 đại biểu theo dõi trực tuyến.
Đặc biệt, tại cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất" đã có 9/10 ý tưởng, dự án tiềm năng đạt giải và nhận được các gói đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với tổng giá trị lên đến gần 30 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ cho các tài năng trẻ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn.
Là 1 trong những doanh nhân tiêu biểu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công từ nghề nuôi ong truyền thống của gia đình, thế mạnh của địa phương, bà Lê Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) cho biết:
Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt sự kết nối của Sở Khoa học và Công nghệ trong nghiên cứu các đề tài, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất mật ong Tam Đảo, đến nay, các sản phẩm Honeco của công ty không chỉ khẳng định vị thế tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các sản phẩm Ong Tam Đảo được lựa chọn, giới thiệu, trưng bày tại các sự kiện, hội thảo khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Lượng
Hiện, Honeco là 1 trong 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chế biến thực phẩm. Không dừng lại ở đó, công ty còn là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành ong xây dựng Lab kiểm định chất lượng mật theo tiêu chuẩn quốc tế và đạt chứng nhận FDA của Hoa Kỳ.
Cùng với Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, hiện trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án khởi nghiệp thành công từ phát triển thế mạnh địa phương như Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa (Vĩnh Tường) với doanh thu 4,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương; Công ty TNHH Nấm Phùng Gia được thành lập năm 2017; Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc thành lập năm 2007.
Phát huy những lợi thế của địa phương, tăng cường thu hút đầu tư, tạo đà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18 về việc quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.
Năm 2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2689 phê duyệt Đề án phát huy tinh thần và hỗ trợ thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023-2027.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng có ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt đoàn viên thanh niên, sinh viên… nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp.
Đồng thời, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp thành công, khuyến khích đưa các chương trình giảng dạy khởi nghiệp vào các trường đại học, cao đẳng nhằm truyền cảm hứng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đến nay, Vĩnh Phúc đã hình thành khung pháp lý ban đầu về đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, hình thành cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, mạng lưới nhà đầu tư, nhà cố vấn khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động tương tác giữa các chủ thể, bước đầu nhân rộng được các mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hiện, toàn tỉnh có 130.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 8 dự án đến từ nông nghiệp và dựa trên khai thác tài nguyên bản địa.
Hồng Tính