Có mặt tại cánh đồng Trổ Cống - Đồng Ve (thị trấn Thổ Tang - huyện Vĩnh Tường), đúng thời điểm công nhân Trạm thủy lợi Thổ Tang đang vận hành máy bơm điện dã chiến động cơ 33 hết công suất để bơm nước tiêu úng cho 30ha lúa, rau màu, vừa vận hành máy, ông Nguyễn Văn Cường, Trạm phó trạm thủy lợi Thổ Tang cho biết: Đây là cánh đồng thường xuyên bị ngập, ngay từ đầu vụ, Trạm đã chủ động xây dựng phương án tiêu úng nội đồng; nạo vét kênh mương; khơi thông dòng chảy. Dù vậy, khi bão xẩy ra, toàn bộ cánh đồng này bị ngập, Trạm đã phải huy động máy bơm dã chiến vận hành hết công suất để tiêu úng cho lúa; phân công công nhân trực 24/24 giờ; tập trung khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước nhằm tiêu nước nhanh. Đến thời điểm hiện tại, 30 ha lúa của cánh đồng đã được tiêu úng, bảo vệ an toàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Vĩnh Tường cho biết: Những ngày qua, đội ngũ lãnh đạo, công nhân của xí nghiệp thủy lợi Vĩnh Tường thường xuyên có mặt ở các trạm bơm để chỉ đạo bơm nước tiêu úng cho lúa. Với nhiệm vụ quản lý cung cấp nước tưới tiêu cho 6.974ha, hàng năm, xí nghiệp đều chủ động xây dựng phương án phòng, chống úng cụ thể, chi tiết đến từng vùng, từng lưu vực. Phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên trực, theo dõi từng vùng úng. Khi có thông tin cơn bão số 5 có khả năng đổ bộ vào Vĩnh Phúc, Xí nghiệp đã chỉ đạo các trạm bơm tiêu, vận hành bơm toàn bộ nước đệm trong đồng đề phòng mưa lớn xảy ra; lắp đặt 5 máy bơm dã chiến ở một số vùng ngập cục bộ (khu đồng Trổ Cồng - Đồng Ve thị trấn Thổ Tang; Hốp Phùng xã Vũ Di; Dộc Xiềng xã Thượng Trưng). Khi mưa lớn xảy ra, Xí nghiệp đã vận hành hết công suất các trạm bơm tiêu để bơm nước chống úng cho lúa; phân công cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ. Dù đã có sự chuẩn bị khá tốt về mọi mặt, nhưng do ảnh hưởng của hơn 1 tuần mưa kéo dài trên diện rộng trước khi cơn bão đổ bộ vào đã khiến một số vùng trũng trên địa bàn huyện bị ngập úng nhẹ. Sau những trận mưa kéo dài, nước ở các nơi dồn về hệ thống Sông Phan làm mực nước trên sông dâng cao hơn mực nước trong đồng. Qua tổng hợp của xí nghiệp, tính đến ngày 6-8-2013, Vĩnh Tường có khoảng 156,7ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó 87ha lúa ngập 2/3 cây; 68,7ha lúa mất trắng. Vụ mùa 2013, toàn tỉnh gieo trồng được trên 32 ha. Hiện nay, cùng với việc chỉ đạo các công ty thủy nông tập trung tiêu úng cứu lúa, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi UBND các huyện, thành, thị; các đơn vị trực thuộc tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh xuất hiện sau bão. Hiện nay, lúa vụ mùa đang trong giai đoạn đòng và chuẩn bị làm đòng, đây là thời kỳ mẫn cảm nhất với các loại sâu bệnh gây hại. Chính vì vậy, công tác phòng trừ sâu bệnh trong tháng 8 cần được các huyện, thị, thành quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Để đảm bảo sản xuất vụ mùa 2013 giành thắng lợi, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo phòng NN&PTNT, UBND các xã, HTX dịch vụ nông nghiệp thực hiện các biện pháp: Đối với diện tích bị ngập úng, sau khi nước rút tăng cường sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng, phân bón qua lá, đặc biệt các loại phân bón qua lá có hàm lượng kali cao giúp cho lúa nhanh phục hồi, sinh trưởng, phát triển tốt. Tiến hành điều tra, rà soát, xác định cụ thể thời gian, quy mô và mức độ gây hại của sâu bệnh, chú ý các đối tượng: sâu đục thân lúa 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu+ rầy lưng trắng; bệnh khô vằn, chuột. Tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp, 3 giảm - 3 tăng, nhất là giai đoạn lúa làm đòng- trỗ bông. Thường xuyên thăm đồng, điều tra nắm chắc tình hình diễn biến sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng để kịp thời ra thông báo hướng dẫn các biện pháp phòng trừ, thời gian phun thuốc đặc hiệu hiệu quả nhất. Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật các huyện: Bình Xuyên, Sông Lô và Lập Thạch, hiện nay, trên lúa mùa 2013, mật độ ổ trứng sâu đục thân 2 chấm phổ biến từ 0,3 - 0,6 ổ/m2, nơi cao từ 1 - 3 ổ/m2 tập trung chủ yếu ở các xã Đức Bác, Đồng Thịnh, Tân Lập, Phương Khoan (Sông Lô), có nơi từ 3 - 5 ổ/m2 tập trung ở Thị trấn Hương Canh, Thanh Lãng, xã Tân Phong, Phú Xuân (Bình Xuyên). Từ nay đến 20/8, ổ trứng sâu đục thân 2 chấm tiếp tục tăng cao. Sâu non sâu đục thân nở rộ từ 5 -10/8 trở đi gây tỷ lệ dảnh, hoặc bông bạc bình quân 5 – 8%, nơi cao 10 -15 % trở lên nếu không được tích cực phòng trừ. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu đục thân gây ra trong vụ mùa 2013, bên cạnh hướng dẫn các biện pháp thủ công như tổ chức vợt bướm, ngắt ổ trứng sâu đục thân trên ruộng chưa trỗ liên tục 2 ngày/lần, Chi cục BVTV tỉnh còn chỉ đạo các kỹ thuật viên hướng dẫn bà con nông dân rắc thuốc đặc hiệu (Patox 4GR, Wofadan 4 GR, Lorsban 15 GR, Sago- super 3 GR,...) khi bướm trứng rộ. Đồng thời phun thuốc đặc hiệu (Regant 800 WG, Nicata 95 SP, Padan 95 SP, Dantac 950 SP,...) trước khi lúa trỗ 5 -7 ngày và khi lúa bắt đầu trỗ. Với sự chủ động, tích cực các biện pháp bảo vệ lúa vụ mùa sau bão từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành và bà con nông dân, hy vọng sản xuất vụ mùa 2013 của tỉnh sẽ giành thắng lợi. Bài, ảnh Mai Liên |