Với mục tiêu nhận diện bản sắc, đặc trưng riêng của địa phương, sáng 18/6, UBND huyện Lập Thạch phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Lập Thạch. Đối tượng tham dự là tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên mọi miền đất nước, trong đó khuyến khích các cá nhân, tổ chức, họa sỹ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, nhân dân địa phương, sinh viên chuyên ngành đồ họa, mỹ thuật, kiến trúc.
Lãnh đạo huyện Lập Thạch phát biểu khai mạc Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Lập Thạch.
Yêu cầu, biểu trưng (Logo) có tính duy nhất, biểu tượng cao, sáng tạo, không trùng lặp, tương tự gây nhầm lẫn với bất cứ biểu trưng, bộ nhận diện nào khác; không vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và được thể hiện dưới dạng đồ họa.
Đặc biệt, tác phẩm phải đạt được các yêu cầu như thiết kế đơn giản, thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện đặc trưng văn hóa, con người huyện Lập Thạch. Mỗi tác giả tham dự cuộc thi được gửi tối đa 2 tác phẩm, kèm theo là bản thuyết minh mô tả ý tưởng, nội dung của thiết kế.
Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Lập Thạch nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/8 đến hết ngày 15/9. Quy trình xét chọn, chấm giải trải qua 2 vòng.
Ban Tổ chức cuộc thi sẽ chọn 1 tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất làm biểu trưng và trao giải Nhất trị giá 100 triệu đồng; chọn 2 tác phẩm trao giải Nhì trị giá 50 triệu đồng và 5 tác phẩm trao giải Ba trị giá mỗi giải 10 triệu đồng.
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hoàng Long Biên cho biết: Lập Thạch là vùng đất có lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang và hiếu học.
Nơi đây đã sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Hàn Lâm học sỹ Triệu Thái, nhà giáo Đỗ Khắc Chung cùng nhiều tiến sỹ có tên tuổi được lưu danh trên các bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Hiện trên địa bàn huyện có 160 di tích lịch sử, văn hóa và di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 13 di tích được xếp hạng quốc gia, 62 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 85 di tích chưa xếp hạng. Có 49 lễ hội truyền thống mang yếu tố đặc sắc, tiêu biểu như các lễ hội Đền Trần Nguyên Hãn; lễ hội “Leo cầu bắt chạch cầu đinh”; lễ hội “Chạy nước kéo lửa nấu cơm thi”...
Để Cuộc thi sáng tác biểu trưng (Logo) huyện Lập Thạch diễn ra thành công, đồng chí Hoàng Long Biên đề nghị Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các cơ quan báo chí trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến cuộc thi tới đông đảo các họa sỹ chuyên nghiệp.
Đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, của các họa sỹ, nhà thiết kế đồ họa, kiến trúc trong và ngoài tỉnh, lực lượng giáo viên mỹ thuật và đông đảo nhân dân.
Huyện Lập Thạch sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các họa sỹ, người dân yêu mến quê hương Lập Thạch nghiên cứu, sáng tác ra biểu trưng đẹp nhất, có hồn nhất làm biểu tượng cho địa phương.
Hải Nam