Ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn. Trước bối cảnh đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt khó, đa dạng hoá các ngành nghề, mở rộng thị trường, liên kết, liên doanh với các DN FDI và vươn ra thị trường quốc tế.
Các sản phẩm của Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Ảnh: Thế Hùng
Toàn tỉnh hiện có hơn 15.000 DN đăng ký hoạt động SXKD, trong đó khoảng 9.500 DN đang hoạt động, chủ yếu là DNNVV. Những năm gần đây, DNNVV đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là bộ phận cấu thành quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của DN, năm 2023, tỉnh tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng điện, về thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; tháo gỡ khó khăn cho các DN trong quá trình thực hiện dự án, hoạt động SXKD.
Duy trì thực hiện tốt chương trình lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần và Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của DN. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tham gia vận hành, duy trì Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền trên hệ thống http://duongdaynong.vinhphuc.gov.vn.
Cùng với đó, Sở Công thương thường xuyên đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giao thương kết nối trong và ngoài tỉnh.
Trong năm, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (mức giảm từ 1,5 - 2%/năm) để hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển SXKD. Nhờ đó, các DNNVV không ngừng phát triển, tạo việc làm, cải thiện đời sống công nhân, người lao động, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp phát triển KT - XH của địa phương.
Tháng 5/2021, Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) chuyên chế biến các sản phẩm sữa tươi thanh trùng, các loại sữa chua, caramen đi vào hoạt động.
Tháng 11/2022, tại sự kiện Techfest VinhPhuc 2022, công ty dành Giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ Nhất - năm 2022” và nhận được cam kết hỗ trợ về nguồn vốn của các Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, Quỹ Đầu tư Liên minh số, My X-Team, Quỹ YBC Fund...
Đặc biệt, năm 2023, các sản phẩm từ sữa của Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, công ty có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đầu tư phát triển mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động SXKD.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh chia sẻ: Giai đoạn đầu khởi nghiệp công ty gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thị trường, song với sự nỗ lực, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, được kết nối, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận nguồn vốn vay đã giúp công ty có thêm những trao đổi để hoàn thiện sản phẩm, kết nối với nhiều DN, khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện, các sản phẩm của công ty được nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận đón nhận, tin dùng.
Nhằm hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn, bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Với vai trò là cơ quan đầu mối về hỗ trợ DNNVV, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện đăng tải nôi dung Đề án lên Cổng Thông tin quốc gia về DN; giới thiệu đăng tải trên các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến hướng dẫn trình tự thụ hưởng các chính sách hỗ trợ DNNVV.
Tổ chức các cuộc khảo sát nhu cầu hỗ trợ của DN bằng nhiều hình thức. Thông qua đó giúp các DN nắm vững cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Đề án Hỗ trợ DNNVV; tăng hiệu quả đánh giá năng năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương.
Ông Đào Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt năm 2023, cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt hơn 83.400 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 2.285 tỷ đồng. Để đạt được những kết quả trên ngoài sự chỉ đạo, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, còn sự đóng góp to lớn của các DN nói chung và DNNVV nói riêng.
Ngoài những đóng góp trong phát triển kinh tế, các DN đã tham gia tích cực vào công tác xã hội trên địa bàn. Hiện, trên địa bàn thành phố có trên 5.300 DN đăng ký kinh doanh, trong đó có gần 70% DNNVV.
Các DNNVV hoạt động đa dạng ngành nghề, trong đó tập trung chủ yếu là SXKD, dịch vụ, công nghiệp nhỏ góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và thúc đẩy phát triển KT - XH thành phố nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các DN còn gặp nhiều khó khăn hơn so với các DN có quy mô lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận nguồn vốn, tuyển dụng lao động chất lượng cao, tiếp cận đất đai, thông tin thị trường, cạnh tranh...
Khắc phục những khó khăn trên, góp phần hỗ trợ các DN phát triển nhanh và bền vững, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nguồn vốn vay... phấn đấu mỗi năm tăng từ 150 - 200 DN thành lập mới; 100% DN thành lập mới đến năm 2025 được phổ biến, nhận thức về chuyển đổi số, trong đó tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng số đạt trên 50%...
Hồng Tính