Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ; ứng dụng rộng rãi các chương trình tăng trưởng xanh trong sản xuất nông nghiệp.
Vùng trồng rau an toàn, rau hữu cơ trên địa bàn huyện Tam Dương ngày càng được mở rộng. Ảnh: Trà Hương
Nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái, năm 2023, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định, quy trình kỹ thuật sản xuất trồng trọt hữu cơ và theo hướng hữu cơ, các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ; các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tập huấn thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bao bì đựng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tuyên truyền về thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi…
Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương thực hiện 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ, quy mô 2 ha/mô hình tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Tam Đảo; 4 mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ, quy mô 1 ha/mô hình tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch; đồng thời, hỗ trợ 200 ha sản xuất, 400 ha trồng rau, quả ăn lá theo hướng hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh.
Các giống lúa, rau ăn lá trên diện tích này đều được chăm sóc với quy trình theo hướng hữu cơ, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học cho hiệu quả kinh tế tăng 10 - 20% so với sản xuất thông thường, cải tạo đất tốt hơn, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, đặc biệt là thuốc trừ cỏ, góp phần giảm hóa chất độc hại, khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh ứng dụng các chương trình tăng trưởng xanh trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện, thành phố áp dụng các chương trình IPM (chương trình quản lý dịch hại tổng hợp), IPHM (kế hoạch quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp), SRI (Hệ thống canh tác lúa cải tiến).
Thông qua các chương trình, người sản xuất nông nghiệp được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc trên cây trồng thay thế các loại thuốc hóa học nhằm giảm ô nhiễm môi trường; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón vi sinh, phân bón sinh học; trồng xen canh với các cây họ đậu giúp cải tạo đất.
Năm 2023, kết quả ứng dụng IPM, IPHM, SRI trên các loại cây trồng toàn tỉnh đạt 28.000 ha; các giống lúa năng suất, chất lượng được đưa vào cơ cấu sản xuất để giảm khí phát thải nhà kính. Tỷ lệ giống lúa chất lượng năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 76,9% diện tích gieo trồng; diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao như bí xanh, bí đỏ, cà chua, dưa chuột, rau ăn lá… được mở rộng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành được một số vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Năm 2023, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ thực hiện 1 mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô, 1 mô hình nuôi gà theo hướng hữu cơ tại phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên cho lợi nhuận cao.
Toàn tỉnh hiện có 448 cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và đang ứng dụng một số công nghệ cao trong các khâu của quy trình chăn nuôi, chiếm 90,3% tổng số cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn; trong đó, có 1 cơ sở tham gia xây dựng mô hình áp dụng hoàn toàn công nghệ số trong chăn nuôi lợn thịt (gồm hệ thống cho ăn tự động, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi và phần mềm quản lý chuồng trại) tại thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên.
Người chăn nuôi đang dần chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được thực hiện nghiêm ngặt.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, tổng đàn bò sữa, đàn lợn và đàn gia cầm đều tăng; các sản phẩm chăn nuôi chủ yếu như sữa bò tươi, thịt lợn, thịt gia cầm tăng so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh trong sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần tạo ra ngày càng nhiều các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Thùy Linh