Dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng di động, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện các chiêu trò lừa đảo người dùng, với thủ đoạn hết sức tinh vi, đa dạng. Mặc dù lực lượng chức năng liên tiếp đưa ra những cảnh báo nhưng không ít người dân vẫn mắc bẫy của các đối tượng phạm tội; gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Lực lượng công an đề nghị người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa, cẩn trọng khi cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động. Hết sức cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ và các giao dịch liên quan đến chuyển tiền…
Thông qua các ứng dụng mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo nạn nhân nhấn vào đường link lạ, thực hiện các nhiệm vụ, chuyển tiền rồi chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Dương Hà
Theo đánh giá của lực lượng Công an tỉnh, các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay là những hình thức không mới. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết, hám lợi trước mắt nên nhiều người dân vẫn mắc bẫy, tức là “chiêu trò cũ, nạn nhân mới”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tiếp nhận không ít đơn trình báo tội phạm của người dân bị lừa đảo bằng hình thức “kiếm tiền online”, thông qua các ứng dụng nhắn tin (Messenger), yêu cầu bị hại kích vào các đường link lạ, làm theo các bước, nhiệm vụ, chuyển tiền, rồi chiếm đoạt tài sản.
Mới đây đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của anh Đ.V. T. (Sông Lô) bị một đối tượng lừa đảo với số tiền hơn 200 triệu đồng dưới hình thức “kiếm tiền online”. Thông qua mạng xã hội, anh T. đã làm quen và kết bạn với tài khoản mạng xã hội có tên Facebook “Thanh Nga Võ” (gọi tắt là Nga).
Sau đó, Nga giới thiệu với anh T. là đang làm công việc kiếm tiền online cho công ty Priceline. Nga đã hướng dẫn và gửi đường link cho anh T. tải ứng dụng TICKETING về máy điện thoại. Sau đó, đối tượng Nga nhờ anh T. dùng tài khoản của mình để đặt các lệnh mua vé máy bay hưởng phần trăm hoa hồng.
Mới đầu, anh T. giao dịch đều rút được tiền và phần trăm hoa hồng. Do đó, tiếp tục nạp tiền lên đến hơn 200 triệu đồng cho các đối tượng không rõ lai lịch. Nhận thấy mình bị các đối tượng lừa đảo, anh T. đã dừng nạp tiền và đến trình báo với cơ quan công an…
Thượng tá Trần Quang Tùng Khánh, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Thông qua không gian mạng, các đối tượng lừa đảo kết bạn với các nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau đó chúng hướng dẫn nạn nhân chuyển qua các ứng dụng Zalo, Telegram, Viber… để kích vào các đường link lạ, thực hiện nhiệm vụ, với các hình thức lừa đảo phổ biến như dự đoán tăng, giảm ngoại tệ; đặt đơn hàng online; săn vé máy bay giá rẻ...
Để tạo lòng tin, lần đầu các đối tượng cho các nạn nhân nhận được tiền hoa hồng thật. Lấy được lòng tin, các đối tượng yêu cầu nạn nhân tăng số tiền nạp để nhận hoa hồng lớn, khi nạn nhân chuyển số tiền lớn chúng chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng sự phát triển, bảo mật của các ứng dụng mạng, hiện nay, không ít đối tượng đã coi đây là mảnh đất “màu mỡ” để thực hiện hành vi phạm pháp. Công tác đấu tranh, xác minh của lực lượng chức năng với tội phạm lừa đảo công nghệ cao đang gặp rất nhiều khó khăn do dòng tiền đã chuyển đến nhiều người khác nhau và thường chuyển ra nước ngoài…
Lực lượng công an đã phát đi cảnh báo với người dùng về việc cảnh giác với việc sử dụng ứng dụng Telegram. Các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay trên Telegram như lừa đảo tuyển dụng, việc nhẹ lương cao, tuyển mẫu nhí...
Telegram là dịch vụ được tội phạm mạng tin dùng nhất. Tại Việt Nam, mới đây, một đường dây đánh bạc với quy mô 2.600 tỷ đồng đã được cơ quan điều tra triệt phá. Các đối tượng đã sử dụng ứng dụng Telegram để dụ dỗ nhiều người tham gia.
Thời gian qua, thông qua các ứng dụng nhắn tin, các đối tượng lừa đảo đã hack (chiếm đoạt quyền điều khiển) tài khoản mạng xã hội của các nạn nhân. Sau đó, tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định.
Mức độ tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tăng lên. Bản chất của lừa đảo trực tuyến sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Do đó, để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng, mỗi công dân cần nâng cao nhận thức, phòng ngừa với tội phạm, nhận biết các hành vi lừa đảo của các đối tượng.
Các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cần thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 không, 2 phải”. "4 không" là: Không sợ (không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân); Không tham (khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời các đối tượng); Không kết bạn với người lạ (khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, nhất là không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng); Không làm (khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo).
"2 phải" là: Phải thường xuyên cảnh giác (chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thông tin thẻ căn cước công dân; tài khoản ngân hàng; tài khoản mạng xã hội...); Phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ…
Kim Hiền