Hơn 30 năm không mỏi bên “ngọn đèn đỏ, bát nước trong”, thủ đền Hoàng Thị Tâm, thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đã gắn bó với ngôi đền Bà Chúa Thượng Ngàn như một duyên nợ. Từ một ngôi đền nhỏ đơn sơ, qua bao năm tháng với tâm huyết của bà, đến nay ngôi đền tráng lệ, uy nghiêm hơn - là nơi để du khách tới thưởng ngoạn, chiêm bái, cầu an.
Cổng đền Bà Chúa Thượng Ngàn uy nghi trên đỉnh núi Tam Đảo
Đi qua những hàng trúc xanh mướt trong khu rừng già Tam Đảo và 300 bậc đá rêu phong, chúng tôi đến ngôi đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Ngôi đền nằm trên đỉnh núi Thiên Nhị, trong quần thể khu chùa, vườn La Hán giữa sương khói bảng lảng, nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh, tách biệt với những ồn ã, tấp nập nơi trung tâm thị trấn. Đến đây, du khách như lạc vào chốn linh thiêng, huyền ảo… không gian yên tĩnh tạo cảm giác bình an.
Đón chúng tôi là người phụ nữ có dáng vẻ gầy gò nhưng rất nhanh nhẹn và tinh tường, qua chặng đường leo núi, thấy chúng tôi thở dốc, mệt mỏi, bà Tâm chia sẻ: “Các cô ít tới nên cảm thấy mệt, ngày nào cũng lên rồi xuống như chúng tôi ở đây thì thấy quen, đi nhiều thêm khỏe và yêu núi rừng Tam Đảo hơn”.
Nghỉ một lát, thấy chúng tôi thắc mắc về ngôi đền đồ sộ, bề thế tọa lạc ở trên cao lại đầy đủ các ban bệ, tượng phật như thế, bà Tâm nói tiếp: “Đền Bà Chúa Thượng Ngàn Tam Đảo được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX, cùng thời điểm thực dân Pháp triển khai xây dựng Khu nghỉ mát Tam Đảo.
Thời đó, để mở con đường lên đỉnh núi quả là gian truân. Một người cai lục lộ (nhà thầu phụ của Việt Nam) được báo mộng nếu xây ngôi đền thì việc xây dựng sẽ thuận lợi cũng như đường đi lối lại sẽ an toàn. Ông này đã quyết tâm bỏ tiền của và công sức để xây dựng nên ngôi đền. Ngôi đền lúc đó tuy giản dị, nhưng rất linh thiêng”.
Trải qua năm tháng chiến tranh, nhiều ngôi đền bị tàn phá, trong đó đền Bà Chúa Thượng Ngàn cũng không còn nguyên vẹn, đổ nát, rêu phong… Với niềm tôn kính và ngưỡng vọng Bà Chúa, nhân dân thị trấn Tam Đảo đã cùng nhau đóng góp công sức, của cải để tôn tạo lại ngôi đền. Đến năm 1993, được người dân địa phương tín nhiệm, bà Tâm đã một mình từ thôn 2 lên đền trông coi, tự nguyện góp công, góp của để tu sửa ngôi đền, khi ấy cùng với nguồn công đức của nhân dân khắp nơi, ngôi đền đã sớm được khôi phục khang trang.
Người canh đền không mỏi Hoàng Thị Tâm vẫn ngày đêm tâm huyết với "ngọn đèn nhỏ, bát nước trong"
Bà Tâm nhớ lại những ngày nhọc nhằn ấy: “Lúc đó, tôi còn là công nhân Vườn dược liệu Hà Nội, trở về quê hương với số vốn tích lũy được tôi mang hết đầu tư vào đền, rồi vay mượn thêm người thân… chỉ với nguyện ước ngôi đền được hiện hữu bề thế để nhân dân khắp nơi tới hành hương, cầu an. Không chỉ thế, thời đó, tôi còn cùng thợ gánh từng gánh cát, sỏi, gạch đá lên để xây đền… Tuy gian truân nhưng tự hào biết bao khi ngôi đền được tu sửa hoàn chỉnh, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân”.
Người xây dựng nên ngôi đền đã dồn bao tâm sức; người tu sửa, giữ gìn ngôi đền lại càng khó hơn. Nhìn công trình uy nghi, những pho tượng quý giá được hiện hữu giữa vùng núi Tam Đảo, chúng tôi càng cảm nhận được tâm huyết cả đời của họ.
Gắn bó gần hết cuộc đời với ngôi đền, giờ đã ở độ tuổi 65, nhưng bà Tâm vẫn ngày đêm trông nom, giữ gìn cho ngôi đền thêm sáng và linh thiêng. Không chỉ đầu tư phục dựng đền Bà Chúa Thượng Ngàn, phục dựng và đắp mới hơn 70 pho tượng với các ban bệ uy nghi, bà Tâm còn xây dựng đền thờ vọng Quốc Mẫu Âu Cơ trong khuôn viên vào năm 1996 với nguồn kinh phí quyên góp từ nhân dân và của gia đình, các hạng mục chùa Vàng có tượng Phật tổ Như Lai được làm bằng đồng, dát vàng; khu vườn La Hán với gần 30 bức tượng làm bằng đá nguyên khối…; tất cả các bức tượng trong chùa đều được thiết kế cũng như sơn son thếp vàng một cách cẩn thận, bà Tâm tâm niệm để lại sau này cho hậu thế, không phải chỉnh sửa ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và ý nghĩa tâm linh.
Suốt những năm qua, đền Bà Chúa Thượng Ngàn đã diễn ra những hoạt động văn hóa tâm linh cộng đồng và ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn và quần thể nơi đây đã trở thành khu du lịch tâm linh thu hút du khách đến với thị trấn Tam Đảo. Tấm lòng nhân hậu, cao cả của người canh đền Hoàng Thị Tâm đã để lại sự cảm phục, yêu mến của biết bao người dân và du khách mỗi khi tới đây.
Bài, ảnh: Thu Thủy