Hàng triệu cây mai cảnh ở An Nhơn đang giai đoạn lặt lá để cây bung hoa đúng dịp Tết.
Những ngày này về các làng mai cảnh ở thị xã An Nhơn (Bình Định) nằm trên địa bàn các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Thành, Nhơn Hưng và phường Bình Định, đến đâu chúng tôi cũng nghe tiếng nói cười rộn rã trong các nhà vườn trồng mai cảnh. Tết chưa đến mà các nhà vườn trồng mai đã ngập tràn không khí Tết.
Theo anh Lê Tấn Bộ (sinh năm 1979), người đang sở hữu 6.000 chậu mai cảnh đủ mọi lứa tuổi ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn), năm nay do thời tiết ở Bình Định những tháng cuối năm trở lạnh kéo dài nên cây mai phải được lặt lá sớm hơn mọi năm để cây dồn sức nuôi nụ, bung hoa đúng dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025.
Khi đến thời điểm lặt lá, những cây mai phải được lặt đồng loạt để cây bung hoa cùng thời điểm. Do vậy, đến mùa lặt lá mai, ngoài huy động hết nhân công trong gia đình, anh Bộ còn thuê gần 30 lao động địa phương để lặt lá đồng loạt cho vườn mai của mình.
Hiện các làng mai cảnh ở thị xã An Nhơn đang vào mùa lặt lá để cây cho hoa đúng dịp Tết.
Lặt lá mai là công việc không khó và không tốn nhiều sức nhưng đòi hỏi sự thận trọng và tỉ mỉ. Những người lặt lá mai tay trái cầm để cố định cành mai, tay phải cầm từng chiếc lá rứt ngược để lá lìa cành một cách dứt khoát. Nếu lặt giật hoặc rứt xuôi chiếc lá vừa khó lìa cành mà cành cây dễ bị lay động khiến búp hoa bị rụng. Những động tác nói trên phải làm thật cẩn trọng để tránh cành cây bị tổn thương và rụng những búp hoa trên cành.
“Do phải thao tác thận trọng nên tiến độ của công việc lặt lá mai rất chậm, người lặt giỏi mỗi ngày cũng chỉ làm xong 6 - 7 cây mai. Năm nay giá công lặt lá mai từ 170.000 - 200.000đ/ngày. Lặt lá mai không nặng nhọc nên có thể huy động cả người già và trẻ con trong gia đình làm, lao động lớn tuổi vẫn có thể tham gia”, anh Lê Tấn Bộ cho hay.
Sau khi sạ xong mấy sào ruộng vụ đông xuân 2024 - 2025, mỗi sáng sớm, bà Lê Thị Loan (62 tuổi) ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn) dong xe chạy về các vườn mai ở xã Nhơn An để lặt lá mai kiếm tiền tiêu Tết.
Đến mùa, công việc lặt lá mai tại các làng mai ở thị xã An Nhơn thu hút hàng ngàn lao động nữ. Là công việc thường niên nên lao động nữ ở các địa phương lân cận hình thành nhiều tổ lặt lá mai, người đứng đầu huy động nhân công, gọi điện liên hệ với các chủ nhà vườn để nhận việc.
Mùa kiếm tiền tiêu Tết của lao động nông nhàn
Chị Lê Thị Thắm ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) cho hay: Năm nào cũng vậy, gần cuối tháng 11 âm lịch là các nhà vườn trồng mai cảnh ở xã Nhơn An điện thoại nhờ chị tìm giúp nhân công lặt lá mai.
“Nhóm của tôi huy động được chừng 20 chị em là nông dân địa phương. Chúng tôi thường nhận khoán lặt lá nguyên vườn mai. Mỗi sáng sớm, sau khi ăn sáng, chúng tôi dỡ cơm mang theo để ăn trưa tại vườn, ăn xong nghỉ một lát rồi làm tiếp. Do đã có thâm niên trong nghề và thường xuyên hoàn thành việc lặt lá đúng tiến độ chủ vườn yêu cầu nên nhóm của chúng tôi có nhiều nhà vườn trồng mai trao việc. Hoàn thành công việc lúc nào là chủ vườn trả tiền lúc đó”, chị Thắm chia sẻ.
Năm nay do thời tiết lạnh kéo dài nên mai bán cho thương lái miền Bắc được lặt lá sớm hơn mọi năm, từ 20/12 đã có vườn tiến hành lặt lá. Còn mai bán cho thương lái miền Nam đến đầu tháng 1/2025 mới lặt lá bởi thời tiết ở miền Nam nắng ấm, nếu lặt lá sớm thương lái chở về trong ấy cây sẽ bung hoa trước Tết, khó tiêu thụ. Mai bán cho khách chơi Tết trong tỉnh thì khoảng giữa tháng Chạp mới được lặt lá. Những đợt lặt lá phân ra như thế nên công việc lặt lá mai hằng năm thường kéo dài đến giữa tháng Chạp.
Theo ông Nguyễn Long Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, địa phương có nghề trồng mai cảnh truyền thống ở thị xã An Nhơn. Hiện trên địa bàn xã có trên 1.000 hộ trồng mai với khoảng 1,2 triệu chậu. Mai trồng ở Nhơn An hầu hết đã có nhiều năm tuổi, tán cây lớn, nhiều cành nhánh nên hằng năm các vườn mai ở đây thu hút đông đảo lao động lặt mai ở các xã Phước Hiệp, Phước Quang, Phước Hưng, Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và những địa phương giáp ranh với xã Nhơn An.
Với nhiều chủ nhà vườn kỹ tính như anh Lê Tấn Bộ ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An thì những cây mai sau khi được lặt lá anh còn thuê người nhặt hết những lá mai rớt trong chậu để gốc mai sạch tinh tươm nhằm bắt mắt thương lái. Công việc này đơn giản hơn lặt lá, nhân công cầm cây tre nhỏ vót nhọn đầu, đi khắp vườn găm những chiếc lá mai rơi vãi dưới mỗi gốc mai.
Hương Hoài (Theo nongnghiep.vn)