Với lợi thế sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, hằng năm, số lượng du khách đến Vĩnh Phúc không ngừng tăng lên. Thế nhưng, mức doanh thu của ngành Du lịch Vĩnh Phúc còn khá khiêm tốn so với lợi thế. Nghịch lý này đòi hỏi cần có chiến lược cụ thể để phát triển du lịch của tỉnh đạt hiệu quả hơn.
Lễ hội đường phố Lala Town được tổ chức tại Flamingo Đại Lải Resort đã thu hút hàng vạn du khách.
Mỗi khách du lịch chi tiêu chưa đến 500 nghìn đồng/ngày
Không chỉ là "điểm sáng" trên cả nước về thu hút đầu tư FDI, phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc còn được biết đến là tỉnh có tiềm năng phát triển dồi dào ngành Du lịch bởi được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan tự nhiên hấp dẫn.
Nổi bật là Khu du lịch Tam Đảo với khí hậu mát mẻ quanh năm, đã được công nhận là Khu du lịch quốc gia; khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên được công nhận là khu di tích đặc biệt cấp Quốc gia; thị trấn Tam Đảo 3 năm liên tiếp được tổ chức World Travel Awards vinh danh "Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới"; khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort nằm trong Top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh.
Cùng với đó là hệ thống các sân golf mang tầm đẳng cấp quốc tế như Tam Đảo, Đầm Vạc, Thanh Lanh cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khác...
Từng bước khai phá tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật được tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 8,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng với doanh thu 3.282 tỷ đồng; năm 2023 có 9,3 triệu lượt khách với doanh thu 3.610 tỷ đồng và đến năm 2024, số lượng du khách đến tỉnh ước đạt 10,5 triệu lượt người, tăng 13%, doanh thu ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023.
Những "con số biết nói" này cho thấy, du khách đến tỉnh mặc dù tăng, song mức chi tiêu rất khiêm tốn. Trung bình, mỗi khách du lịch đến tỉnh chỉ tiêu chưa đến 500 nghìn đồng/ngày. So sánh với một số địa phương khác như tại Lào Cai - du khách chi tiêu bình quân 3,1 triệu đồng, Đà Nẵng là 3,8 triệu đồng... đủ để cho thấy doanh thu du lịch của tỉnh khá thấp, ngành Du lịch phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Mặc dù sở hữu cảnh quan đẹp, song dịch vụ giải trí tại thị trấn Tam Đảo còn ít, giá cả ăn uống còn cao... khiến số ngày lưu trú của du khách không nhiều.
Cần có hướng đi hiệu quả hơn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và cả nước. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch triển khai nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế, các dịch vụ phục vụ du khách của tỉnh chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn để có thể níu chân du khách lưu trú dài ngày. Các sản phẩm, quà tặng du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu.
Tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư vào du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hoạt động vui chơi - giải trí về đêm còn thiếu khiến mức chi tiêu của du khách không nhiều; số lượng các tour tuyến mới được đưa vào khai thác còn ít. Nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo.
Đơn cử như tại thị trấn Tam Đảo - thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới đã và đang bị bê tông hóa làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan vốn có, dịch vụ giải trí còn ít, giá cả ăn uống còn cao... khiến số ngày lưu trú của du khách không nhiều.
Từng bước khắc phục hạn chế này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực làm mới hình ảnh du lịch nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách đến tỉnh.
Tại thị trấn Tam Đảo, thời gian gần đây, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật của chính quyền và các đơn vị tư nhân như Hoa Bay, Dốc Mộng Mơ... thường xuyên được tổ chức khiến Tam Đảo trở thành điểm hẹn văn hóa - nghệ thuật mỗi dịp cuối tuần.
Hay tại Đại Lải (Phúc Yên), hàng loạt sự kiện được tổ chức mới đây như Lễ hội đường phố Lala Town hay Festival Đại Lải với chuỗi hoạt động giải trí - ẩm thực - trải nghiệm - âm nhạc vừa hiện đại, vừa truyền thống đã thu hút đông đảo du khách gần xa đến khu du lịch nổi tiếng này...
Để ngành Du lịch thực sự là "con gà đẻ trứng vàng", Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước, yêu cầu đặt ra với các ngành chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là trên nền tảng số; có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho du lịch, ra mắt các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn du khách; quan tâm đầu tư phát triển các ngành du lịch MICE, du lịch Golf ... thành ngành có thế mạnh.
Bài, ảnh: Lưu Nhung