Không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mô hình “Cánh đồng không dấu chân người” ở xã Đồng Ích (Lập Thạch) đã và đang giúp các hộ dân trên địa bàn tiết giảm chi phí, nhân công, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Xã Đồng Ích có hơn 800 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 600 ha sản xuất lúa. Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất giá trị hàng hóa lớn, cuối năm 2019, Đồng Ích đã thực hiện dồn thửa đổi ruộng (DTĐR).
Nếu như trước đây, mỗi hộ có từ 10 - 12 thửa ruộng tại các xứ đồng khác nhau thì sau khi DTĐR, bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 2-3 thửa, giảm 10 thửa so với trước đây.
Thực hiện mô hình "Cánh đồng không dấu chân người" ở xã Đồng Ích giúp người dân tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Cùng với đó, địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phối hợp với các đơn vị xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Vụ Mùa năm 2023, xã phối hợp với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Đông Phong (Bắc Ninh) làm thí điểm mô hình “Cánh đồng không dấu chân người” tại thôn Hoàng Chung. Đây là mô hình điển hình trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đưa giống lúa mới, chất lượng cao vào gieo trồng, tất cả các khâu từ làm đất, gieo mạ, cấy, phun thuốc trừ sâu đến thu hoạch đều được HTX thực hiện bằng máy. Qua đó không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất tiểu nông sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Đồng Ích đạt hơn 195 tỷ đồng, chiếm 21,1% cơ cấu kinh tế, tăng 41,7% so với năm 2022.
Tiên phong đầu tư máy cấy, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, gia đình ông Phạm Ngọc Hữu, thôn Hoàng Chung cấy 2 ha lúa/vụ, duy trì chăn nuôi hơn 200 con lợn thương phẩm, 20 con bò thịt, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Chia sẻ về những kết quả đạt được, ông Hữu cho biết: Nhờ có máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, gia đình mạnh dạn đầu tư, tích tụ ruộng đất và kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, góp phần nâng cao thu nhập.
Nếu như trước đây, cấy từ 4 - 5 sào ruộng, phải huy động nhân lực của cả gia đình mà vẫn vất vả thì giờ đây với mô hình “Cánh đồng không dấu chân người”, mọi việc đã có máy móc làm thay, giúp giảm chi phí, đặc biệt giảm công lao động và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Trước đó, vụ Mùa 2021, xã Đồng Ích phối hợp với HTX rau an toàn Vân Hội Xanh liên kết với các hộ dân thôn Hoàng Chung thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tham gia chuỗi liên kết, người dân được cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
HTX sẽ đảm nhận mọi công đoạn từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc đến thu hoạch bằng máy móc, đồng thời thu mua lúa tươi với giá cao hơn thị trường.
Anh Đỗ Quốc Đoàn, cán bộ nông nghiệp xã Đồng Ích cho biết: Qua thực tế triển khai sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng không dấu chân người”, mô hình cánh đồng mẫu lớn, người dân sẽ tiết giảm chi phí từ 200-300 nghìn đồng/sào so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, nghề nông không quá phụ thuộc vào nhân công, giảm thiểu tình trạng bỏ hoang ruộng đất, mở đường cho sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Năm 2024, xã Đồng Ích liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm thí điểm sản xuất 15 ha lúa hữu cơ DT39 tại khu Đồng Chiêm. Với nhiều ưu điểm vượt trội như năng suất cao, giá bán cao, ít sâu bệnh và chất lượng gạo thơm ngon, lúa hữu cơ DT 39 được người dân tiếp tục nhân rộng.
Với sự đồng hành của 3 nhà gồm Nhà nông - Nhà nước - Doanh nghiệp, năm 2024, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt 1.467 ha, tăng 186 ha so với năm 2023. Tỷ lệ sử dụng máy làm đất trong sản xuất lú đạt hơn 100%, máy gặt đập liên hợp là 100%.
Đối với diện tích đã DTĐR, việc áp dụng cơ giới hóa được triển khai đồng bộ trong tất cả các khâu từ làm đất, gieo mạ, cấy máy đến thu hoạch với tỷ lệ đạt hơn 80%.
Góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị nhân rộng diện tích cấy lúa hữu cơ, mô hình “Cánh đồng không dấu chân người”.
Tăng cường công tác khuyến nông, dự thính, dự báo phòng trừ sâu bệnh, chuột hại đối với cây trồng. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, đảm bảo công tác tưới, tiêu, khơi thông dòng chảy.
Bài, ảnh: Hồng Tính