Mùa Thu tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, nhân dân Vĩnh Yên đã vùng lên khởi nghĩa, đập tan xiềng xích thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau 79 năm kể từ mùa Thu lịch sử, Vĩnh Yên đã tiếp nối và phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng thành phố ngày càng hiện đại, văn minh, phát triển toàn diện, xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh.
Thành phố Vĩnh Yên ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh.Ảnh: Trà Hương
Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban hành bản “Quân lệnh số 1” chính thức phát lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và vận dụng Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Yên (khi đó gồm thị xã Vĩnh Yên và các huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc) đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiến hành khởi nghĩa, giành thắng lợi tại các huyện.
Ngày 31/8, hàng vạn quần chúng tự vệ và du kích đã giương cao cờ đỏ sao vàng tiến vào thị xã Vĩnh Yên để giành chính quyền cấp tỉnh. Bọn việt gian, Quốc dân Đảng đã dùng súng đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa.
Tuy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp tỉnh không giành thắng lợi, thị xã Vĩnh Yên vẫn bị bọn phản động chiếm đóng, nhưng các huyện trong tỉnh đã khởi nghĩa thành công. Do đó, đầu tháng 9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Vĩnh Yên được thành lập (trụ sở đóng tại huyện Yên Lạc).
Tiếp nối và phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cùng với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn từng tấc đất quê hương, nhân dân Vĩnh Yên đã tích cực lao động sản xuất, hăng hái góp sức người, sức của cho tiền tuyến và xây dựng hậu phương vững mạnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Yên luôn đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, của tỉnh, xây dựng thành phố phát triển toàn diện.
Từ một thị xã nhỏ bé, lạc hậu về mọi mặt, Vĩnh Yên đã khoác lên mình diện mạo mới của một thành phố năng động, văn minh, hiện đại. Năm 2014, Vĩnh Yên được công nhận là đô thị loại II và thành phố đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, thực hiện mục tiêu “Xây dựng Vĩnh Yên văn minh, hiện đại, xứng tầm trung tâm đô thị Vĩnh Phúc”, thực sự là thành phố đáng sống.
Với vai trò là đô thị trung tâm, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố Vĩnh Yên đã phát huy nội lực, thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng đô thị của thành phố ngày càng đồng bộ, hiện đại với việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước; quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, điện chiếu sáng, điện trang trí…
Cùng với đó, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn tạo điểm nhấn cho thành phố như Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, chợ Vĩnh Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Trường THCS Vĩnh Yên, cầu Đầm Vạc, cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các khu đô thị mới…
Những năm qua, Vĩnh Yên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Thu hút đầu tư vào địa bàn và thu ngân sách liên tục tăng. 6 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế của thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định; tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023; thu ngân sách đạt hơn 1.292 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Kinh tế phát triển tạo nguồn lực để thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Sự nghiệp GDĐT của thành phố có bước phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng, nhiều năm liền được đánh giá là đơn vị dẫn đầu của tỉnh.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố chỉ còn 0,47%; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tiếp tục phát triển; công tác giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tích cực…
Thu mới hôm nay, diện mạo đô thị Vĩnh Yên đã có nhiều đổi khác nhưng tinh thần, hào khí của mùa Thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, là niềm tự hào, động lực tinh thần to lớn cổ vũ các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân thành phố không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương.
Phát huy những kết quả đạt được, với quan điểm Vĩnh Yên phải có trách nhiệm đi trước một bước, là “đầu tàu” dẫn dắt kinh tế của cả tỉnh, thành phố tiếp tục vận dụng sáng tạo các cơ chế chính sách để khai thông nguồn lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; tăng cường xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn…
Lê Mơ