Sau một năm 2023 với nhiều dấu ấn, thủ thành Trần Thị Kim Thanh hoàn thành tâm nguyện với danh hiệu Quả Bóng Vàng nữ Việt Nam, chấm dứt bốn năm thống trị của Huỳnh Như.
Trong năm qua, Kim Thanh thể hiện nổi bật với tấm HC vàng SEA Games thứ ba liên tiếp ở đội tuyển và chức vô địch quốc gia thứ năm liên tiếp cùng CLB TP HCM. Cô cũng được các nhà chuyên môn nhận xét là cầu thủ Việt Nam chơi tốt nhất trong lần đầu dự World Cup.
Việt Nam sớm dừng bước ở vòng bảng với ba thất bại cùng 13 bàn thua, nhưng con số ấy có thể còn lớn hơn nếu không có 15 pha cứu thua của Kim Thanh – đứng thứ sáu trong những thủ môn cản phá nhiều nhất vòng bảng. Hình ảnh của thủ môn chỉ cao 1,65 m hiện lên to lớn hơn khi cản cú đá phạt đền của tiền đạo Mỹ Alex Morgan – một trong những chân sút vĩ đại nhất lịch sử bóng đá nữ.
Trần Thị Kim Thanh lần đầu giành Quả bóng vàng nữ Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng
Trước khi bén duyên với bóng đá, Kim Thanh là cô bé bình thường ở huyện Đức Hoà, Long An. Nhà nghèo, Thanh phải phụ mẹ nhổ đậu, hoặc theo người lớn đi kéo cá để có thêm thu nhập. "Tôi theo mẹ ra đồng từ 4 giờ sáng", Thanh chia sẻ. "Nhổ một thùng đậu được 2.500 đồng và mỗi ngày tôi kiếm được 25.000 đồng".
Bóng đá len lỏi vào cuộc đời Kim Thanh từ những trận bóng cùng các bạn trai trong xóm trên sân ruộng. Thanh thừa nhận không biết nhiều về bóng đá, đặc biệt vị trí thủ môn cho đến khi được chọn vào đội trẻ nữ TP HCM ở tuổi 14. Cô được tuyển nhờ chiều cao tốt cùng bàn tay to hơn con gái cùng lứa. Cả nhà đồng ý cho Thanh rời quê lên TP HCM, trừ mẹ - bà Dương Thị Phương, nhưng rồi cũng phải đồng ý trước sự kiên định với sở thích của con gái. Không chỉ là đam mê, Thanh rời quê vì muốn tốt cho gia đình với suy nghĩ "nhà nghèo bớt được một miệng ăn".
Trần Thị Kim Thanh cản phá cú sút của Alex Morgan ở trận Việt Nam thua Mỹ 0-3, thuộc lượt trận ra quân vòng bảng World Cup 2023. Ảnh: Đức Đồng
Kim Thanh sau đó được đào tạo bài bản và dần trở thành gương mặt sáng giá ở khung thành, được đôn lên đội một CLB TP HCM năm 2010. Bốn năm sau, cô lần đầu tiên được triệu tập lên đội tuyển.
Lợi thế của Kim Thanh là được dìu dắt bởi thủ môn huyền thoại Nguyễn Thị Kim Hồng, và được tập với huyền thoại sống Đặng Thị Kiều Trinh. Nhưng cũng chính vì sự ổn định của Kiều Trinh mà phải tới khi đàn chị giải nghệ năm 2018, Kim Thanh mới dần trở thành kép chính ở CLB và đội tuyển – nơi cô phải cạnh tranh gay gắt với Khổng Thị Hằng.
Trận ra mắt đội tuyển là kỷ niệm khó quên với Kim Thanh, khi mắc hai sai lầm trong trận U20 Australia 2-4 ở bán kết AFF Cup 2018. Thanh khóc suốt chặng đường từ sân về khách sạn, khóc cả khi gọi điện về cho gia đình rồi dằn vặt trong thời gian dài. Không những thế, chấn thương viêm xương bánh chè cả hai chân đau nhức thường xuyên khiến Kim Thanh từng loé lên ý định giải nghệ. "Các thầy cô động viên rất nhiều nên tôi có thời gian hồi phục", Thanh kể lại. "Tuy nhiên, tôi vẫn phải quấn gối và tiêm chất nhờn vào chân trước khi thi đấu".
Nỗ lực từ gian khó, cuối cùng Kim Thanh cũng nhận lại thành quả đáng giá. Cô là nhân tố chính giúp Việt Nam giành hat-trick HC vàng SEA Games 2019, 2021 và 2023 rồi vô địch AFF Cup 2019. Năm 2022, Thanh trở thành thủ môn cản phá nhiều nhất ở Asian Cup, trong đó có những cản phá xuất thần ở trận thắng Đài Loan 2-1, qua đó đưa bóng đá nữ Việt Nam lần đầu đến với World Cup.
Kim Thanh rớm khóc khi phát biểu, sau khi hoàn tất giấc mơ giành Quả bóng vàng Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng
Năm 2021, Kim Thanh từng bày tỏ: "Tôi ước một lần giành được Quả Bóng Vàng". Và bây giờ, cô đã hoàn thành tâm nguyện, trở thành thủ môn thứ ba trong lịch sử Việt Nam giành giải này, sau Kim Hồng năm 2002 và Kiều Trinh năm 2011, 2012, 2017.
Ở lễ trao giải tối 19/2, cô gái Long An coi đây là động lực để tiếp tục phấn đấu, đồng thời gửi đi nhiều lời cảm ơn đặc biệt là gửi tới gia đình. "Cảm ơn bố mẹ đã sinh ra con và luôn bên cạnh lúc khó khăn", Kim Thanh nói và bật khóc.
Nguyễn Lượng (theo vnexpress.net)