Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, thành phố Vĩnh Yên đã huy động các nguồn lực đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị..., từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, thực hiện mục tiêu “Xây dựng Vĩnh Yên văn minh, hiện đại, xứng tầm trung tâm đô thị Vĩnh Phúc”.
Kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Vĩnh Yên được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với 9 đơn vị hành chính, dân số hơn 15 vạn người, gần 100 di tích lịch sử văn hóa và hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi”, thành phố Vĩnh Yên có nhiều điều kiện thuận lợi trong xây dựng, phát triển đô thị.
Ngay khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Yên mang tầm chiến lược như Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ thành phố Vĩnh Yên về xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Yên, giai đoạn 2021 - 2030...
Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Giai đoạn 2014 - 2021, thành phố đã triển khai 21 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang và phát triển đô thị tại các xã, phường; 42 đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị như khu đất ở, dự án nhà ở đô thị, khu đô thị mới, công viên cây xanh…Đến nay, trên địa bàn thành phố đã phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu đô thị.
Nhằm xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, năm 2014, sau khi được Chính phủ công nhận đô thị loại II, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục được đầu tư nâng cao chất lượng đô thị và phát triển đô thị theo hướng đảm bảo các tiêu chí, nhất là sau khi BCH Đảng bộ tỉnh có Nghị quyết số 04 về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025 với tổng số vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2014 - 2021, ngân sách tỉnh đã thực hiện bố trí khoảng 5.340 tỷ đồng đầu tư các dự án.
Cùng với đó, mạng lưới giao thông được tỉnh, thành phố đầu tư xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành một số tuyến đường mới, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân như đường vành đai 1, vành đai 2; đường nối từ đường 33m Nam Vĩnh Yên đến quốc lộ 2 đường tránh thành phố Vĩnh Yên; đường giao thông kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc giai đoạn 1...
Hiện, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án vay vốn ADB nhằm xây dựng hạ tầng đô thị như tuyến đường phía Nam song song đường sắt, hoàn thành giai đoạn 1; đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên; đường nối Kim Ngọc đến nút giao với đường quốc lộ 2 vòng tránh phía Nam...
Để tạo không gian xanh cho đô thị, giai đoạn 2018 - 2022, thành phố Vĩnh Yên triển khai 39 dự án trồng cây xanh kết hợp với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hơn 26.000 cây xanh bóng mát được trồng tại các tuyến phố, điểm công cộng.
Nhiều công viên cây xanh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như công viên quảng trường Hồ Chí Minh, công viên xanh khu Văn Miếu, công viên 29/12... Hiện, thành phố đang đầu tư thêm công viên cây xanh tại phường Định Trung với quy mô 17 ha, công viên cây xanh khu vực phía Nam Đầm Vạc với quy mô 44,5 ha, cải tạo chỉnh trang khu Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, quy mô 400 ha.
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, Vĩnh Yên đã tạo được điểm nhấn về không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian xanh trong lòng đô thị từ các công trình, dự án lớn như Khu nghỉ dưỡng Sông Hồng Thủ Đô, công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, nhà hát, hồ Đầm Vạc, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Văn Miếu Vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc và các dự án giao thông, các khu đô thị mới...
Một số công trình, dự án đang chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm triển lãm, giới thiệu thành tựu KT - XH tỉnh, Thư viện tỉnh… sẽ tiếp tục làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị để Vĩnh Yên vươn mình, trở thành thành phố đáng sống, là niềm tự hào của mỗi người dân.
Để phát huy tốt vai trò trung tâm tỉnh lỵ, đô thị lõi của thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đầu tư các dự án giao thông và các dự án trọng điểm về hạ tầng xã hội.
Ưu tiên các dự án trồng cây xanh theo quy hoạch; xây dựng cơ chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp, văn minh; chủ động bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các dự án về dịch vụ, du lịch chất lượng cao..., đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố hiện đại.
Mai Liên