Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 29 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, gia đình và trường học cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng, chống đuối nước, góp phần giảm tỷ lệ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước.
Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cho trẻ là một trong những giải pháp hiệu quả để phòng, chống tai nạn đuối nước. Ảnh: Kim Ly
Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù mới chớm hè, song toàn tỉnh đã ghi nhận 3 vụ đuối nước, khiến 5 trẻ tử vong. Mới đây nhất, huyện Yên Lạc xảy ra vụ việc 2 trẻ em thuộc xã Liên Châu tử vong do đuối nước tại địa bàn xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội (giáp ranh với xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc).
Ngay khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh đã ban hành công văn hỏa tốc, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương liên quan khẩn trương, nghiêm túc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc; tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên, giúp đỡ kịp thời gia đình có trẻ bị đuối nước; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, nhất là trước mùa mưa bão và trong thời gian học sinh nghỉ hè.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Vĩnh Phúc có khoảng 20 trẻ tử vong do đuối nước, chủ yếu xảy ra vào thời gian các em được nghỉ hè. Các vụ tai nạn xảy ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu do trẻ không biết bơi, không có kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi.
Đặc biệt là trong trường hợp cứu bạn đuối nước, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị đuối nước tăng lên. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều diện tích ao, hồ, sông, suối… nằm xen lẫn với khu dân cư, nhiều khu vực nước sâu, hố công trình tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước; các sân chơi, hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em, đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn thiếu; một số gia đình còn lơ là, bất cẩn trong việc trông coi, giám sát, dẫn đến nhiều vụ việc trẻ đuối nước thương tâm xảy ra..
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, công tác phối hợp giữa các ngành, tổ chức đoàn thể trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống truyền thanh cơ sở trong những giờ cao điểm, mùa mưa bão, thời gian học sinh tan học, nghỉ hè; tăng cường đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi…, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.
Khẩn trương rà soát, kiểm tra các hố sâu, ao, hồ, sông ngòi, vùng nước, bãi tắm, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cắm biển cảnh báo, làm rào chắn, đảm bảo an toàn cho trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, trường học quản lý trẻ em nếu để xảy ra tai nạn đuối nước dẫn tới trường hợp trẻ tử vong tại địa phương, đơn vị mình.
Các nhà trường đẩy mạnh triển khai hoạt động dạy bơi, dạy kỹ năng cứu đuối và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh các biện pháp phòng, chống đuối nước; quản lý, giám sát con em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp hè…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong tháng 4/2023, huyện Vĩnh Tường đã tổ chức 4 hội nghị truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại các xã Thượng Trưng, Kim Xá, Lũng Hòa, Bồ Sao với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Tại các hội nghị, báo cáo viên đã phổ biến tới cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh thực trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước trong huyện và trên địa bàn tỉnh; cung cấp các kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, kỹ năng giữ an toàn trong môi trường nước; hướng dẫn học sinh thực hành các kỹ năng thoát hiểm, sơ cấp cứu khi phải đối mặt với sự cố.
Thông qua hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, cộng đồng trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hạn chế tối đa tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước, đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ.
Thực tế cho thấy, các vụ tai nạn đuối nước đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình nạn nhân và cả cộng đồng xã hội. Để phòng, chống đuối nước hiệu quả, tiến tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em, rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, gia đình và nhà trường.
Trong đó, đặc biệt chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ, giúp các em chủ động ứng phó khi gặp sự cố. Có vậy mới có thể giảm thiểu được những vụ việc đau lòng do đuối nước gây ra.
Phương Anh