Diễn ra trong nửa buổi sáng, phiên giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã nhận được rất nhiều ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu tham dự kỳ họp. Thông qua hoạt động giám sát, những tồn tại vướng mắc về đất đai trên địa bàn tỉnh đã được “điểm mặt”, để từ đó có những giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm tập trung giải quyết căn bản các vấn đề đặt ra.
Nhiều đại biểu tham gia ý kiến trong phiên giám sát tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Khánh Linh
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Báo cáo của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn cho thấy, những năm qua, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản theo thẩm quyền để chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, niêm yết công khai đầy đủ danh mục thủ tục hành chính, biểu mẫu liên quan, các khoản thu phí và lệ phí; trình tự, thủ tục, nhất là thời gian giải quyết công việc được rút ngắn hơn từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với trước.
Tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương, hạn chế tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Tính từ ngày 1/1/2015 - 30/6/2021, cấp tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết được 243.806/247.484 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 98,5%; giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 79%, chậm hạn trên 18,6%. Cấp huyện tiếp nhận, giải quyết được 47.687/48.113 hồ sơ, đạt hơn 99%, trong đó, trước hạn và đúng hạn đạt 91%, chậm hạn 8,2%.
Tuy nhiên, đến nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị, lĩnh vực, trong khi số lượng cán bộ chuyên môn có hạn.
Cơ chế chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, bất cập với thực tế; chưa đồng bộ trong hệ thống lưu trữ hồ sơ; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, việc thực hiện quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả chưa theo đúng quy định của pháp luật...
Là người đầu tiên tham gia thảo luận tại phiên giám sát, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Tổ đại biểu HĐND Tam Dương) cho rằng, những năm qua, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết các tồn tại liên quan đến việc xác minh nguồn gốc đất, việc phân lô bán nền...
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Quang, để khắc phục những tồn tại, hạn chế bất cập này, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đưa chỉ tiêu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và coi đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện.
Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Băn khoăn trước những khó khăn của người dân khi thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính về đất đai, đại biểu Lương Văn Long (Tổ đại biểu HĐND thành phố Vĩnh Yên) và đại biểu Đàm Hữu Khanh (Tổ đại biểu HĐND huyện Vĩnh Tường) đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thay đổi hoặc điều chỉnh rút ngắn quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu; tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai để người dân nắm rõ hơn các quy trình giải quyết thủ tục đất đai để đỡ phải đi lại nhiều lần.
Liên quan đến công tác quản lý hồ sơ, chất lượng cán bộ làm công tác này, đại biểu Nguyễn Hồng Nhung (Tổ đại biểu HĐND huyện Lập Thạch) và ông Nguyễn Trung Kiên (Tổ đại biểu HĐND huyện Yên Lạc) đề nghị tỉnh cần có những giải pháp để nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác cấp giấy chứng nhận về đất đai; tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là việc phân lô, bán nền đất có diện tích lớn.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra công vụ đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tìm giải pháp căn cơ
Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại, trả lời làm rõ hơn những câu hỏi được các đại biểu thảo luận tại phiên giám sát xoay quanh các nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình. Những kết quả đạt được đã phán ánh sát thực, khách quan chưa? Còn có những nội dung nào chưa được đề cập đến? Tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các cấp đã đáp ứng yêu cầu chưa? Chất lượng như thế nào? Tinh thần thái độ phục vụ nhân dân ra sao? Cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện làm việc đối với đội ngũ cán bộ làm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được quan tâm, tạo điều kiện chưa?
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Kim Tuấn cho biết, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác quản lý đất đai; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình.
Tăng cường công tác thanh tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thiếu tinh thần trách nhiệm và để xảy ra chậm trễ, tiêu cực, vi phạm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình tại địa phương mình quản lý. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, nhất là cấp xã niêm yết công khai các thủ tục hành chính về đất đai để người dân nắm rõ, tránh phải đi lại nhiều lần.
Khẳng định việc giải quyết những tồn tại về đất đai luôn là vấn đề phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước cho biết, từ năm 2014, Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp căn cơ nhằm kịp thời giải quyết và khắc phục khó khăn trong giải quyết các thủ tục về đất đai, như thành lập Văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thành phố; đưa chỉ tiêu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và coi đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, rút ngắn các thủ tục hành chính về đất đai; công khai số điện thoại đường dây nóng tại các huyện, thành phố để kịp thời nắm bắt các tâm tư, kiến nghị của nhân dân. Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đất đai…
“Nhằm giải quyết triệt để những bất cập, tồn tại, hạn chế về đất đai trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 thuộc thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; giao Sở Tài Nguyên và Môi trường hoàn thành việc xây dựng và đưa cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Vĩnh Phúc vào vận hành từ năm 2025.
Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật, không hạn chế quyền của người sử dụng đất; kiểm điểm các tổ chức cá nhân có sai phạm trong tham mưu ban hành văn bản chưa phù hợp với quy định của pháp luật trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hiện đại hóa hệ thống hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; triển khai đăng ký đất đai bắt buộc; thực hiện cập nhật biến động về sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh, chi nhánh các huyện, thành phố và UBND cấp xã…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước nhấn mạnh.
Khẳng định các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu HĐND tỉnh đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và thể hiện trách nhiệm cao đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, trọng tâm là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kết luận phiên giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan liên quan, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh về thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong việc giải quyết những vấn đề mà đại biểu, cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Các nội dung trong phiên giám sát sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tiếp thu dự thảo nghị quyết để trình HĐND thông qua cùng các nghị quyết khác vào cuối kỳ họp.
Thiệu Vũ