Với sự quan tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân, đến nay, xã Yên Phương (Yên Lạc) có nhiều khởi sắc: Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Xã Yên Phương (Yên Lạc) ngày càng văn minh, hiện đại.
Đến Yên Phương hôm nay, vào các thôn, xóm trên địa bàn, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của một làng quê.
Dọc hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những hàng cây xanh, hoa ven đường vươn mình khoe sắc, những bức tranh tường rực rỡ sắc màu đã nói lên cuộc sống văn minh, ấm no hiện hữu.
Thành quả trên có được là sự kết tinh trong cả quá trình, nhưng nổi bật, đổi thay rõ nhất là giai đoạn thực hiện xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu.
Chỉ riêng năm 2023, xã Yên Phương đã huy động, đầu tư 125 tỷ đồng nâng cấp, thảm nhựa gần 11 km đường giao thông nông thôn và 4,5 km đường giao thông nội đồng; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa.
Xã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, cuối năm 2023, Yên Phương trở thành 1 trong 3 địa phương của huyện Yên Lạc đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã trước 2 năm.
Hiện nay, 100% tuyến đường giao thông của địa phương được nhựa hóa, bê tông hóa và có điện chiếu sáng; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 10/10 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Toàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát, 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.
Những thành quả trong chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao đã giúp người dân nơi đây có nhiều thuận lợi, tích cực hơn trong thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh.
Ông Đỗ Văn Tươi, làng nghề mộc truyền thống Lũng Hạ chia sẻ: Đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; người dân được tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thuận lợi hơn trong giao lưu, buôn bán, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, gia đình tôi có 2 cửa hàng trưng bày sản phẩm, 1 xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động địa phương và mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng/năm cho gia đình.
Xác định nghề mộc là lợi thế, đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, những năm qua, Yên Phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề ngắn hạn, tập huấn cho lao động địa phương. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ máy hút bụi gỗ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện cho hộ dân tham gia các cuộc thi tay nghề giỏi để trao đổi kinh nghiệm. Năm 2023, tại cuộc thi tay nghề giỏi cấp tỉnh, người dân trong xã đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.
Đến nay, toàn xã có 54 hộ làm nghề vận tải, 150 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ. Riêng làng nghề mộc truyền thống Lũng Hạ có 175 hộ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 600 lao động.
Mô hình chăn nuôi lợn khép kín, ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Đỗ Văn Thành cho thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Trong sản xuất nông nghiệp, Yên Phương cũng tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất.
Năm 2024, xã phối hợp với các đơn vị trình diễn 2 mô hình giống lúa thuần chất lượng TBR97 và Dự Hương 8 với diện tích 20 ha. Hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Nhờ đó, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vừa xuất bán 300 con lợn thịt chăn nuôi theo mô hình khép kín, ứng dụng công nghệ cao và thu về 250 triệu đồng, ông Đỗ Văn Thành, thôn 6 chia sẻ: Với tổng diện tích hơn 1 ha, gia đình tôi thường xuyên duy trì nuôi từ 500 - 600 con lợn thịt, cùng 0,5 ha nuôi thả cá kết hợp trồng các loại cây ăn quả như mít, bưởi, nhãn, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Nếu như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Yên Phương là 2,4% thì đến năm 2023 giảm còn 0,76%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đạt hơn 68,6 triệu đồng.
Phấn khởi về những thành quả đang được thụ hưởng, ông Trần Xuân Chung, Trưởng thôn 9 cho biết: Với hơn 200 hộ dân, thôn 9 có tới gần 80 hộ giàu, khá và không có hộ nghèo đa chiều theo quy định. Hiện, 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn, 100% hộ sử dụng máy lọc nước tinh khiết đảm bảo nguồn nước sạch, 5 năm trở lại đây thôn 9 luôn đạt chuẩn thôn văn hóa.
Giờ đây, 10/10 thôn của xã Yên Phương có nhà văn hóa đạt chuẩn. Toàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được người dân hưởng ứng, phát triển và nhân rộng tại các thôn, xóm. Đặc biệt, 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2021- 2025.
Đồng chí Tạ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Yên Phương cho biết: 3 năm trở lại đây, đặc biệt trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Yên Phương đã thực sự đổi thay, khởi sắc. Đây là minh chứng rõ nhất cho “Ý Đảng hợp với lòng dân”.
Địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Hồng Tính