Trước yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ số mang lại để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nắm được kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Công an xã Thanh Vân (Tam Dương) tuyên truyền người dân cách thức nhận diện và phòng, chống tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Thời gian qua, người dân trên cả nước và địa bàn tỉnh thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo qua mạng (lừa đảo trực tuyến). Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân đến lừa đảo tình cảm, đầu tư, việc làm, liên quan đến pháp luật… Mục tiêu của các đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh biện pháp phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng công an, các ngành, đơn vị, địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống lừa đảo trực tuyến cho các tầng lớp nhân dân. Khi người dân nhận diện và phòng ngừa lừa đảo trực tuyến sẽ nêu cao cảnh giác, từ đó giảm thiểu tình trạng lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hằng ngày.
Là địa bàn nông thôn, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) có không ít người dân còn thiếu kiến thức pháp luật, dễ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo. Do đó, lực lượng công an địa phương phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận diện và phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến cho người dân.
Trung tá Đào Trường Giang, Trưởng Công an xã Vũ Di cho biết: Lực lượng công an xã thường xuyên phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an huyện Vĩnh Tường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho nhân dân cũng như các kỹ năng nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh lừa đảo trực tuyến.
Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, công an xã đẩy mạnh trang bị kiến thức phòng, chống tội phạm lừa đảo trên các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook chính thống của lực lượng công an địa phương, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm.
Hằng ngày, địa phương đều tổ chức phát loa truyền thanh tuyên truyền về các hình thức lừa đảo mới để người dân nâng cao cảnh giác. Tổ chức ký cam kết đến 100% hộ dân, đề nghị “không nghe, không tin và không làm theo” những hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng không quen biết…
Lực lượng Công an tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết trong quá trình tham gia mạng xã hội, phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho học sinh các trường THPT và cao đẳng, đại học trên địa bàn.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với công an các huyện, thành phố, trường học tổ chức tuyên truyền, truyền đạt các nội dung về nhận diện thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật; trách nhiệm khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; cảnh báo phương thức, thủ đoạn, hoạt động của tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những kiến thức pháp luật nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội và tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh…
Theo đánh giá của cơ quan công an, tội phạm lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, công dân cần nhớ quy tắc “6 không”: Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc. Không cán bộ nhà nước, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính… nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền.
Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào. Không tham nhũng tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận phi thực tế mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao"...
Công dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại các tài khoản mạng xã hội chính thống của cơ quan Nhà nước...
Bài, ảnh: Kim Hiền