Bắt nhịp xu thế và sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi số để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ và thích nghi với tình hình phát triển mới.
Từ 1 HTX kinh doanh dịch vụ vận tải không hiệu quả do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban quản trị HTX dịch vụ tổng hợp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đã đổi mới phương thức, cơ cấu lại ngành nghề và chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh nước đóng chai theo công nghệ Nhật Bản.
Để bắt nhịp xu thế phát triển trong tình hình mới, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước uống I-on kiềm đóng chai, đóng bình tự động theo công nghệ Nhật Bản với công suất 3.000 lít/giờ, trung bình mỗi năm sản xuất được 6 triệu lít nước I-on kiềm.
Sản xuất nước uống I-on kiềm đóng chai công nghệ Nhật Bản tại HTX dịch vụ tổng hợp Khai Quang.
Ảnh: Thế Hùng
Mới đây, công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết theo công nghệ của Mỹ; thiết lập hệ thống nhận diện thương hiệu, từng bước đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hiện, sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hà Nội... với doanh thu đạt 300 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ tổng hợp Khai Quang Nguyễn Văn Đán cho biết: "Với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến khách hàng trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư trong và ngoài tỉnh, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giai đoạn 2023-2025, HTX đầu tư thêm khoảng 20 tỷ đồng để tối ưu hóa hệ thống xử lý nước đầu nguồn; mở rộng bán hàng trên các trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu".
Chủ động ứng dụng công nghệ số trong khâu sản xuất, chế biến, quản lý và quảng bá sản phẩm đã giúp thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX Nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo không chỉ bó hẹp trong phạm vi trong tỉnh mà được phân phối rộng khắp cả nước.
Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo Nguyễn Quốc Huy cho biết: "Trong bối cảnh thị trường bán lẻ truyền thống đang dần bão hòa, HTX đã nhanh chóng bắt nhịp với công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thay thế cho cách bán hàng truyền thống.
Hiện nay, HTX đã xây dựng được 2 trang website là namdongtrunghathaotamdao.vn, namtamdao.vn và kênh Facebook có 3 trang fanpage. Các sản phẩm của Nấm Tam Đảo được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước tin tưởng sử dụng, có hơn 50% khách hàng tìm mua trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là một thành công lớn của HTX khi ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng".
Tuy nhiên, so với tiềm năng và số lượng gần 500 HTX hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được cấp mã số thuế và có kê khai thuế thì số HTX tiếp cận với công cuộc chuyển đổi số còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn hoạt động của hầu hết các HTX hạn hẹp, trong khi việc đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn; trình độ tiếp cận thị trường của các thành viên HTX chậm, việc vận hành thiết bị khoa học công nghệ, nhất là thiết bị tự động, số hóa kém; hơn nữa, hoạt động sản xuất của các HTX vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX, tỉnh đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Theo đó, đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, mô hình HTX thực hiện chuyển đổi số thành công, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Bên cạnh đó, các HTX cũng cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, khả năng kết nối; chủ động nắm bắt nhu cầu của thành viên, mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ; chủ động tiếp cận với công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm lan tỏa các giá trị, lợi ích từ chuyển đổi số đến các thành viên và người dân.
Mai Liên