Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh phối hợp với chính quyền cấp xã, công an cơ sở tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với cơ sở thuộc diện quản lý, tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; bảo đảm để cơ sở luôn chủ động an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ.
Công an phường Đồng Xuân (Phúc Yên) kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn hộ kinh doanh trang bị đầy đủ và sử dụng các phương tiện chữa cháy an toàn.
Thời gian qua, tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ cháy tại loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở kinh doanh có điều kiện, chung cư mini… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nhưng chủ yếu là do ý thức, nhận thức của người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn, sử dụng phương tiện PCCC tại chỗ.
Để giảm thiểu các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn, cùng với các giải pháp khác được triển khai, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt cơ sở vi phạm các quy định về PCCC và CNCH trên địa bàn.
Thành phố Phúc Yên là địa phương tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học và khu vực buôn bán, kinh doanh đông đúc. Bên cạnh những mặt thuận lợi thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cháy, nổ, nhất là tại các cơ sở không bảo đảm các điều kiện về PCCC và CNCH theo quy định.
Với vai trò thường trực, Công an thành phố Phúc Yên đã tham mưu UBND thành phố, các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thuộc diện quản lý chấp hành nghiêm quy định về PCCC; kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố Phúc Yên xảy ra 14 vụ cháy, trong đó có 11 vụ xảy ra tại khu vực nhà xưởng sản xuất, nhà ở liền kề kết hợp kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC, lực lượng Công an thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC.
Công an thành phố đã kiểm tra định kỳ an toàn PCCC đối với gần 1.400 lượt cơ sở thuộc diện quản lý và kiểm tra ngoài giờ hành chính 81 lượt cơ sở. Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao về hồ sơ cấp phép, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và CNCH; quản lý, theo dõi hoạt động PCCC và CNCH; việc ban hành nội quy, quy định PCCC và CNCH.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra thực tế các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC như: Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, khoảng cách an toàn giữa các dãy nhà, công trình; số lượng, chủng loại, tình trạng hoạt động của các hệ thống điện, báo cháy tự động, thiết bị lắp đặt tại cơ sở phục vụ chữa cháy và bảo đảm điều kiện thoát nạn, cứu người, cứu tài sản...
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH đến chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn kỹ năng chữa cháy và CNCH khi có tình huống xấu xảy ra.
Nhằm bảo đảm an toàn PCCC, nâng cao ý thức của chủ cơ sở và người dân trong việc chấp hành các quy định về PCCC, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh và công an các huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra định kỳ an toàn PCCC, kiểm tra ngoài giờ hành chính, đột xuất tại gần 19.000 lượt cơ sở.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh đã tham gia 3 cuộc thanh tra liên ngành do UBND tỉnh chủ trì về PCCC kiểm tra tại 37 cơ sở. Từ công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã hướng dẫn gần 14.000 cơ sở, hộ dân ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính hơn 300 cơ sở vi phạm an toàn PCCC. Cùng với đó, tạm đình chỉ hoạt động 9 trường hợp, đình chỉ hoạt động 9 trường hợp; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phục hồi hoạt động cho 8 cơ sở.
Nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn, do đó lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch thường xuyên, chuyên đề kiểm tra, rà soát tổng thể cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn… nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm.
Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở vi phạm an toàn PCCC theo quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ từ sớm, từ xa; giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do sự cố gây ra…
Bài, ảnh: Kim Hiền