Sau khi bão số 3 đi qua, chính quyền và nhân dân huyện Tam Dương đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Lực lượng dân quân tự vệ xã Đồng Tĩnh hỗ trợ người dân thu hoạch lúa mùa.
Vừa qua, hoàn lưu bão số 3 gây ra mưa lớn, nước sông Phó Đáy dâng cao khiến toàn bộ hệ thống chuồng trại của gia đình anh Phạm Văn Quyết ở thôn Nam Thịnh, xã Đồng Tĩnh bị ngập sâu trong nước gây thiệt hại nặng.
Anh Phạm Văn Quyết cho biết: "Gia đình tôi nuôi hơn 1.000 con gà lấy thịt. Ngày 10/9, mực nước sông Hồng dâng cao, gia đình chỉ kịp di chuyển hơn 300 con lên khu vực an toàn, số gà còn lại bị chết.
Để giữ gìn vệ sinh môi trường, gia đình đưa toàn bộ số gà bị chết đi tiêu hủy theo đúng quy định. Gia cố, lắp đặt mới các thiết bị điện; vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tiêu trùng, khử độc toàn bộ chuồng trại trước khi tái đàn.
Đồng thời gia cố lại chuồng trại, sửa chữa, mua mới các thiết bị điện... đảm bảo cơ sở vật chất chuẩn bị tái đàn, sẵn sàng nguồn cung ứng thực phẩm vào dịp cuối năm".
May mắn hơn gia đình anh Quyết, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, thôn Hương Đình, xã An Hoà di chuyển kịp thời hơn 200 con gà đẻ đến nơi an toàn nên bảo toàn được toàn bộ đàn gà.
Tuy nhiên, do chuồng trại ngập lâu trong nước, bùn đất kết hợp với phân chuồng khiến môi trường bị ô nhiễm nặng. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, gia đình chị Thơm được chính quyền địa phương hướng dẫn, cấp phát thuốc khử trùng khu vực nhà ở và chuồng trại.
Chị Thơm cho biết: "Được sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ Trạm Y tế xã, gia đình tôi đã chủ động vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn và rắc vôi bột tại khu vực nhà ở, chuồng trại và xử lý những nơi nước đọng theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hiện nay, ngoài chế độ dinh dưỡng như thường ngày, gia đình tôi bổ sung thêm vitamin, chất khoáng, men tiêu hóa, tiêm vắc xin cho đàn gà để tăng hệ miễn dịch, bảo vệ đàn vật nuôi".
Ảnh hưởng bão số 3, mưa lớn kéo dài kèm theo dông lốc, gió lớn, cộng với nước lũ tại sông Phó Đáy dâng cao đã gây ra tình trạng ngập úng tại một số khu vực thuộc các xã An Hòa, Hoàng Đan, Đồng Tĩnh khiến 199 hộ dân bị ngập nước; hơn 4.500m tường rào bị đổ; hơn 9ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; hơn 1.700ha lúa và hoa màu bị gãy đổ, ngập sâu trong nước; gần 3.000 con gia cầm bị chết; nhiều tài sản có giá trị như tủ lạnh, tivi... bị hư hỏng nặng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 32 tỷ đồng.
Anh Phạm Văn Quyết khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hoá chất tiêu độc trước khi tái đàn.
Để nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh tế cho nhân dân, huyện Tam Dương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.Yêu cầu các xã, thị trấn nắm bắt tình hình thiệt hại, chủ động khắc phục tạm thời các vị trí xung yếu, ngăn sạt lở đất, nước lũ tràn vào khu vực dân sinh sống và đồng ruộng. Các đơn vị viễn thông, điện lực nhanh chóng sửa chữa, đấu nối các vị trí hư hỏng, cấp điện trở lại phục vụ sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân. Huy động lực lượng công an, bộ đội hỗ trợ nhân dân ứng cứu, di dời tài sản, tổ chức thu hoạch, cứu lúa bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng...Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ngay khi nước lũ rút, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Dương đã khuyến cáo bà con nông dân thu hoạch lúa mùa với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ người dân, đồng thời áp dụng cơ giới hóa, đưa máy gặt đập liên hợp, máy cắt tay vào thu hoạch lúa để giảm nhân công lao động, đẩy nhanh tiến độ.
Đồng chí Trần Quốc Chí, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Dương cho biết: “Chủ động ứng phó với bão số 3, người dân đã kịp thời di dời tài sản từ sớm đến nơi an toàn nên không bị thiệt hại nặng.
Tuy nhiên, diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu, lâu ngày đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch cũng như năng suất của cây trồng.
Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã thông báo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa đang ngập trong nước.
Đến nay, diện tích lúa và hoa màu đã được thu hoạch, đảm bảo các điều kiện để sản xuất vụ đông theo đúng kế hoạch thời vụ...
Với sự chủ động của người dân, chính quyền các xã cũng đã huy động toàn bộ lực lượng thanh niên, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tập trung dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường giao thông, thu gom rác thải, xử lý xác động vật; hỗ trợ người dân vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, nhanh chóng ổn định đời sống.
Đồng thời thống kê đề nghị UBND huyện hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do bão lũ để khôi phục sản xuất.
Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, đường điện, mạng viễn thông, các cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện Tam Dương đã và đang dần được khắc phục, đời sống người dân quay trở lại như thường nhật.
Bài, ảnh: Hương Giang