Sau 2 năm học tập tại TP.HCM, Lê Ánh Thùy Trang, sinh viên Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình TP.HCM về lại với tỉnh Gia Lai để tiếp tục với hành trình thiện nguyện của mình. Nữ sinh cùng các thành viên trong nhóm Flowers sử dụng những đồ vật tưởng chừng như rác thải để xây dựng khu vui chơi cho trẻ mẫu giáo trên địa bàn H.Đăk Đoa.
Viết tiếp hành trình thiện nguyện
Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng biến rác thải thành khu vui chơi, Trang tâm sự: "Rời TP.HCM về quê sau hai năm học tập, chứng kiến tại buôn làng nơi mình lớn lên có một trường mẫu giáo nhưng trống trơn, không có khu vui chơi cho các em. Mình thấy khu vui chơi có thể giúp các em được phát triển toàn diện hơn là chỉ quanh quẩn trong khuôn viên lớp học". Điều đó đã thôi thúc Trang cùng các thành viên trong nhóm Flowers xây dựng 7 khu vui chơi bổ ích cho các em trên địa bàn H.Đăk Đoa.
Trang cùng các em nhỏ tại điểm trường làng Ka sau khi có khu vui chơi mới.
Trang cho hay để làm một khu vui chơi cần có lốp xe, sắt, cọ, sơn. Mỗi khu vui chơi thường có giá trị khoảng 4 triệu đồng, tùy vào địa điểm và các đồ vật khi mua. Để tiết kiệm chi phí, Trang thường tìm hiểu các địa điểm bán sắt lỗi rẻ hơn với mặt bằng chung nhưng vẫn còn sử dụng được để mua. Trong trường hợp điểm trường làm khu vui chơi quá xa, đi kèm với tiền vận chuyển cao thì nhóm bạn sẽ mua tại cơ sở gần trường.
Trước khi quyết định làm ở bất kỳ trường nào, Trang sẽ trực tiếp tới đó để xem xét. "Có lần, cả nhóm tới điểm Trường Puih Jri thuộc xã Bờ Ngoong, H.Chư Sê để khảo sát địa điểm. Tuy nhiên, khi đến đó, tụi mình thấy trường không có mái che, nước mưa dột xuống lớp học. Lúc đó, mình và nhóm thay đổi kế hoạch. Tụi mình lắp thêm một mái hiên "che nắng che mưa" cho các em. Tổng chi phí cho cả khu vui chơi và mái hiên là 10 triệu đồng", Trang nhớ lại.
Trang kể có một số trường học quá xa, không thể trực tiếp tới làm từ những ngày đầu, cả nhóm thường nhờ Đoàn thanh niên trên địa bàn hỗ trợ đến khi hoàn thành phần thô. Sau đó, Trang tiến hành sơn sửa, trang trí và trao tặng. Đến nay, Trang cùng các bạn đã hoàn thành 7 khu vui chơi.
Hành trình làm thiện nguyện, hạnh phúc lớn nhất mà Trang nhận lại được đó là niềm vui của bà con nơi đây. Trang tâm sự: "Có khi đi giữa đường thấy các em gọi "chị đi đâu vậy?" hoặc mẹ mình cũng hay kể những em nhỏ thường xuyên qua tìm mình. Mọi người đều quý mến mình. Điều này khiến mình cảm thấy rất ấm lòng sau hành trình rong ruổi khắp các buôn làng".
Trong hành trình làm khu vui chơi, Trang may mắn nhận được sự đồng hành của rất nhiều người. Trang chia sẻ khi muốn xin lốp xe cũ, trưởng công an xã đã liên hệ và giúp đỡ. Khi làm khu vui chơi thì có cô giáo giúp vẽ, thợ hàn hỗ trợ hàn các thanh sắt, nhiều bạn đoàn viên tới phụ sơn. "Trong hành trình làm dự án, mình được nhiều người giúp đỡ, trong đó có anh Thuyền đã giúp chúng mình chở lốp xe tới trường cần làm, dù điểm đó rất xa, khoảng 45 km. Mọi người chia sẻ với mình rằng muốn góp phụ vào dự án, có khi góp sức bằng cái nghề của chính họ", Trang nói thêm.
Để lại dấu chân trên hành trình cuộc đời
Bắt đầu hành trình tình nguyện từ rất sớm, Trang kể: "Mình làm thiện nguyện từ khi không hề biết đó gọi là thiện nguyện. Khi thấy bản thân có quần áo đẹp trong lúc đó các bạn mặc áo sờn vai và những chiếc dép mòn đế. Những hình ảnh đó đọng lại trong mình suy nghĩ để rồi khi trưởng thành, biến nó trở thành hành động. Mình làm từ những việc nhỏ như tặng lại các đồ dùng của bản thân tuy đã cũ nhưng vẫn còn sử dụng được. Lớn lên, mình tặng nhu yếu phẩm cho bà con trong buôn làng".
Sau đó, Trang thành lập nhóm tình nguyện Flowers đến nay đã được 3 năm với ý nghĩa: mỗi thành viên là những đóa hoa, không chỉ đẹp mà còn ngát hương. Tuy hiện tại nhóm chỉ có vài thành viên nòng cốt và là sự kết hợp giữa mạnh thường quân nhưng đã trao tặng rất nhiều dự án tới bà con nơi đây. Bên cạnh làm khu vui chơi, nhóm Flowers còn tham gia tình nguyện phát quà, văn nghệ, múa lân... ở các dịp trung thu, tết, lễ...
Khác với bạn bè đồng trang lứa, sau khi học tập tại TP.HCM, Trang quyết định về quê bởi cô nàng tâm niệm: "Mình muốn về với ba mẹ, ở đâu cũng có thể tạo được giá trị cho riêng nếu bản thân biết kiên trì". Bên cạnh đó, công tác xã hội cũng là một trong yếu tố thôi thúc Trang về với Gia Lai.
Sinh ra và lớn lên ở làng Blo, xã Adơk, H.Đăk Đoa còn nhiều khó khăn, được tiếp xúc với người địa phương từ nhỏ nên Trang luôn thấu hiểu được sự thiếu thốn, vất vả của người dân. Hành trình làm dự án càng thuận lợi hơn khi Trang sử dụng tiếng Gia Rai và Ba Na trong việc trao đổi, nói chuyện với bà con nơi đây.
Hiện tại, Trang đang làm tinh dầu và chế tạo mỹ phẩm thiên nhân từ chính quả bơ của địa phương. Lợi nhuận từ dự án này, nữ sinh cũng trích ra một phần nhỏ để làm thiện nguyện. "Mình về Gia Lai và có nhiều dự định mong muốn được giúp đỡ bà con theo hướng bền vững hơn và cũng đang nghiên cứu quả bơ, nông sản sạch trong buôn làng", Trang bộc bạch.
Hiện tại, Trang vẫn mong muốn sẽ làm nhiều khu vui chơi ở khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đăk Đoa trước vì cô nhận thấy nhiều địa phương không có. Trong tương lai nhóm cũng hy vọng sẽ từ từ kết nối và lan rộng toàn tỉnh Gia Lai và lớn hơn.
Trang cùng các thành viên trong nhóm tình nguyện Flowers là những đóa hoa ngát hương thơm giữa núi rừng Tây nguyên. Với cô gái ấy, cuộc đời đã trở nên đặc biệt khi được làm tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng. Trang gửi gắm tới các bạn trẻ: "Rồi một ngày chúng ta ai cũng sẽ chết, hãy ghi dấu ấn trên mọi nẻo đường đi qua. Hãy để mọi người reo hò tên bạn như một người thân dẫu xa lạ. Không để tự hào bản thân mà nhẹ nhàng mỉm cười bởi một cuộc đời đáng sống bởi vô vàn tình yêu".
Cô Nguyễn Thị Quý, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Đăk Sơ Mei chia sẻ: "Thay vì việc bố mẹ và giáo viên tự tay làm đồ chơi cho các em thì những hoạt động thiện nguyện mà Trang và nhóm Flowers kết hợp cùng Đoàn thanh niên xã làm đã hỗ trợ rất nhiều, nhà trường đã có 1 khu vui chơi mới, giáo viên và học sinh đều rất hứng khởi. Từ khi có đồ chơi, các em học sinh rất vui, hứng thú và tích cực đến lớp hơn".
Vũ Hương (Theo thanhnien.vn)