Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải thiều năm nay dự kiến chỉ đạt 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023).
Hiện tượng chưa bao giờ gặp
Ghi nhận trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), trái ngược với không khí nông dân náo nhiệt, khẩn trương chăm sóc cây vải; thương lái khảo sát, đặt hàng, xúc tiến tiêu thụ như mọi năm, vụ vải năm nay, các HTX, hộ sản xuất chỉ biết ngậm ngùi, buồn thiu vì hầu hết các diện tích vải thiều chính vụ không ra hoa.
Ông Hứa Văn Chung, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hộ Đáp (bên trái) cùng các thành viên kiểm tra vườn vải không ra hoa. Ảnh: Trung Quân.
Ông Hứa Văn Chung, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hộ Đáp, thôn Na Hem, xã Hộ Đáp (huyện Lục Ngạn) than thở, trước đây, tỷ lệ ra hoa của trà vải thiều chính vụ có năm cao, năm thấp nhưng chưa năm nào toàn bộ diện tích gần 40ha (cả liên kết) của HTX "tịt hoa" hoàn toàn như năm nay. Đây là hiện tượng rất lạ, chưa từng gặp trên cây vải.
Theo ông Chung, ngay từ đầu vụ, các hộ gia đình đã tích cực chăm sóc cây vải, quy trình kỹ thuật chăm sóc không có gì khác biệt so với mọi năm, tuy nhiên cây vải vẫn không ra hoa, thậm chí có cây không ra lộc. Điều này khiến người người trồng vải rất hoang mang vì cả năm chỉ trông chờ vào vụ vải nhưng đang đứng trước nguy cơ thất thu.
Thời điểm này mọi năm, bạn hàng khắp nơi đã tìm về thăm vườn vải để khảo sát, đặt vấn đề hợp tác, thu mua, nhưng năm nay tuyệt nhiên vắng bóng. Không những vậy, nỗi buồn của người trồng vải lại càng nhân lên khi nhiều hộ đã chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư như phân bón, thuốc BVTV (trả chậm, khi nào thu hoạch mới khấu trừ) để chuẩn bị chăm sóc vườn vải nhưng bây giờ không dùng đến, cũng không biết nên xử lý chúng thế nào.
“Chưa tính chi phí phân bón, thuốc BVTV, công lao động đã bỏ ra, trung bình mọi năm các diện tích vải của HTX đạt năng suất 8 - 9 tấn/ha, với giá bán 14.000 đồng/kg thì năm nay thiệt hại của HTX không hề nhỏ”, ông Chung buồn bã.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân ở thôn kép 1, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) cũng không giấu được nỗi buồn khi vụ vải năm nay HTX nguy cơ sẽ mất 350 tấn vải quả vì nhiều diện tích đến hiện tại không thấy ra hoa (tổng sản lượng trung bình các năm trước của HTX 450 - 500 tấn).
Theo ông Dũng, các đơn vị chuyên môn đang xác định nguyên nhân khiến vải không ra hoa nhưng theo kinh nghiệm thì vụ vải năm nay thời tiết nắng ấm nhiều, không có rét kéo dài có thể là nguyên nhân khiến cây vải không ra hoa, nảy lộc.
“Không biết nguyên nhân cụ thể là gì nhưng hộ nào cũng buồn. HTX cũng bất an vì có nguy cơ không đủ sản lượng để cung cấp cho các bạn hàng đã dày công kết nối tiêu thụ, nhất là những bạn hàng xuất khẩu”, ông Dũng lo lắng.
Thời thiết là "thủ phạm" chính
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Bắc Giang, qua việc phối hợp cùng Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) kiểm tra thực tế tại các vùng vải trên địa bàn tỉnh cho thấy, sản xuất vải thiều năm 2024 gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi thời kỳ phân hoá mầm hoa, đặc biệt đối với trà vải chính vụ. Tỷ lệ vải ra hoa đạt rất thấp so với năm 2023 (trung bình chỉ đạt 46,6%). Cụ thể, vải sớm tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt trên 80%, vải chính vụ tỷ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 40%.
Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ra hoa thấp do mùa đông năm 2023 nhiệt độ trung bình cao hơn so với những năm gần đây khoảng 1,5 độ C. Các đợt rét đậm đến muộn làm ảnh hưởng đến quá trình phân hoá mầm hoa, ra hoa của cây vải, nhất là trà vải chính vụ. Cụ thể, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 có các đợt không khí lạnh mạnh, ngắn ngày, kèm theo mưa nhỏ kéo dài khiến độ ẩm không khí, độ ẩm đất cao làm một số diện tích vải thiều chính vụ xuất hiện mầm hoa sớm bị thui mầm hoa.
Từ giữa tháng 2 thời tiết có nền nhiệt độ, ẩm độ không khí cao, kèm theo độ ẩm đất cao làm cho nhiều diện tích vải còn lại có hiện tượng ra lộc hoặc ra hoa kèm lộc làm ảnh hưởng đến năng suất.
Về yếu tố canh tác, thời vụ, trong 3 năm (2021 - 2023) vải thiều Bắc Giang được mùa liên tiếp, do đó những vườn không được chăm sóc tốt và bón phân đầy đủ, đúng thời điểm sẽ có hiện tượng cây bị suy kiệt, không ra đủ các đợt lộc, đặc biệt đối với vườn cây vải lâu năm (20 - 30 năm tuổi) làm ảnh hưởng đến quá trình ra hoa vụ vải năm 2024.
Với tỷ lệ vải ra hoa rất thấp, dự kiến với tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang khoảng 29.700ha, sản lượng vải năm nay ước chỉ đạt khoảng 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023). Cụ thể, vải chín sớm 7.700ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ 22.000ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn. Vụ vải năm nay, Bắc Giang tiếp tục duy trì tốt các diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82ha, sản lượng ước đạt 500 tấn.
Thời gian thu hoạch vải năm nay dự kiến từ ngày 20/5 - 30/7 (vải sớm từ ngày 20/5 - 15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6 trở đi).
Vải sớm dự báo thắng lợi, có cơ hội lớn
Trái ngược với sự sụt giảm của trà vải chính vụ, trà vải sớm (vải u hồng) ở huyện Tân Yên sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện thời tiết rất thuận lợi cho các vườn đang bước vào giai đoạn rụng quả sinh lý. Dự kiến sản lượng sẽ bằng hoặc cao hơn so với năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) chia sẻ, vụ vải năm nay toàn xã có gần 700ha, chủ yếu là vải u hồng. Xã đã được cấp 11 mã số vùng trồng (MSVT) xuất khẩu vải đi thị trường Trung Quốc, 3 mã đi Nhật Bản, 2 mã đi Mỹ, 2 mã đi Thái Lan và 2 mã đi Úc.
Theo bà Nhưng, từ khi các trà vải sớm ra hoa đến hiện tại thời tiết rất thuận lợi khi có 2 - 3 cơn mưa đã giúp rửa trôi những mầm hoa bị hỏng, từ đó giảm hiện tượng nấm, sâu bệnh gây hại, đồng thời làm giảm tỷ lệ rụng quả sinh lý. Đây là điều kiện để gia tăng sản lượng (vụ vải năm trước lúc ra hoa gặp thời tiết nắng nóng nên tỷ lệ rụng quả sinh lý cao, ảnh hưởng tới năng suất).
“Năm nay trà vải thiều chính vụ mất mùa nên đây là cơ hội cho trà vải sớm gia tăng giá bán. Nếu thời tiết tiếp tục được duy trì thuận lợi tới cuối vụ thì sản lượng vải u hồng thu được trên địa bàn xã khoảng 10.000 tấn (năm trước 9.000 tấn). Với sự hướng dẫn của Cục BVTV, Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, địa phương đang tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tuân thủ quy định của các thị trường nhập khẩu để tăng sản lượng vải xuất khẩu trong năm nay”, bà Nhung cho hay.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang cho biết, mặc dù dự báo sản lượng vải quả trên địa bàn tỉnh năm nay giảm mạnh so với mọi năm nhưng công tác chuẩn bị điều kiện sản xuất phục xuất khẩu vải thiều vẫn được thực hiện hiệu quả.
Theo đó năm 2024, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất 223 MSVT với diện tích hơn 17.000ha phục vụ xuất khẩu. Trong đó, 130 mã (hơn 16.200ha) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ 18 mã (diện tích hơn 215ha). Vùng sản xuất sang thị trường Nhật Bản 38 mã (diện tích hơn 312ha). Xuất khẩu sang thị trường Úc 18 mã (diện tích hơn 230ha). Xuất khẩu sang Thái Lan 19 mã (diện tích hơn 221ha).
Đối với cơ sở đóng gói (CSĐG) phục vụ xuất khẩu, đến nay toàn tỉnh có 39 CSĐG quả vải tươi xuất khẩu sang Trung Quốc đủ điều theo quy định của nước nhập khẩu; 1 CSĐG đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu).
Theo ông Tặng, từ nay tới cuối vụ, ngành nông nghiệp sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá tất cả MSVT và CSĐG đảm bảo thực hiện tốt các quy định của nước nhập khẩu; chỉ đạo nông dân chăm sóc, bón phân cho vải thiều đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt; phối hợp với các huyện, nhất là 2 huyện trọng điểm Lục Ngạn và Tên Yên giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV, lấy 50 mẫu vải tươi tại các vùng sản xuất để phân tích dư lượng đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu đi thị trường cao cấp (Mỹ, Úc, Nhật Bản...).
Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch và chuẩn bị cho công tác kiểm tra thực địa vùng trồng, CSĐG của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc...
Hương Hoài ( theo nongnghiep.vn)