Nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh nông sản trên thị trường.
Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh đầu tư công nghệ vào khâu chế biến sữa bò tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Nguyễn Lượng
Hằng năm, ngành Nông nghiệp sản xuất ra khoảng 320 nghìn tấn lúa, trên 200 nghìn tấn rau các loại, 60 nghìn tấn trái cây, hơn 129 nghìn tấn thịt hơi các loại và gần 60 nghìn tấn sữa bò...
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch; vùng trồng chuối tiêu hồng tại huyện Yên Lạc; vùng trồng lúa hữu cơ tại các huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch; chăn nuôi lợn ở huyện Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm ở huyện Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại 3 huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo...
Ngoài ra, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây là lợi thế để các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Trước đây, nguồn sữa bò ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đều bán nguyên liệu thô nên giá cả bấp bênh, đặc biệt, thương hiệu sữa của địa phương ít được người dân biết đến.
Năm 2021, sau khi Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh được thành lập, sản phẩm sữa Vĩnh Thịnh đã có hướng phát triển mới với quy mô, giá trị cao hơn.
Để tạo ra những sản phẩm chế biến từ sữa bò ngay tại địa phương, công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền, thiết bị đồng bộ, hiện đại với công suất 1.500 - 2.000 tấn sản phẩm sữa/năm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, các sản phẩm của công ty sau chế biến như sữa tươi thanh trùng không đường, sữa tươi thanh trùng có đường, sữa chua Vĩnh Tường, sữa chua nếp cẩm Vĩnh Tường, sữa chua uống.. .đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La…
Tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm sau chế biến từ sữa bò, mới đây, Công ty cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh đầu tư hơn 2 tỷ đồng nâng cấp hệ thống máy thanh trùng, máy đồng hóa sữa công suất 1.000 lít/giờ không chỉ đem lại hiệu suất thanh trùng cao mà còn giữ nguyên được hương vị, dưỡng chất ban đầu của sữa bò tươi.
Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư hệ thống lò hơi đốt than để cung cấp nhiệt cho quá trình thanh trùng, vệ sinh trang thiết bị nhà xưởng thay cho hệ thống thiết bị sử dụng điện, giúp tiết kiệm điện năng và tối ưu hóa trong quá trình sản xuất. Với công nghệ mới này, ngoài tạo ra sản phẩm chất lượng từ sữa bò, tăng mức tiêu thụ sản phẩm sau chế biến mà còn góp phần tăng doanh thu từ 10 - 20%/năm, giảm 35% mức tiêu thụ điện năng.
Nhận thấy lợi thế, tiềm năng sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh và nhu cầu ngày càng cao về các loại gạo chất lượng của thị trường trong nước, năm 2017, Công ty TNHH Hoàng Đạt, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, dây chuyền xay xát lúa gạo hiện đại với công suất thiết kế hơn 200 tấn/ngày.
Toàn bộ dây chuyền sản xuất tại nhà máy thực hiện từ khâu sấy thóc, xay xát, tách trấu, đánh bóng hạt gạo, tách màu hạt gạo, tách tấm… đến làm ra sản phẩm củi trấu đều thân thiện với môi trường.
Ông Vũ Quang Long, Giám đốc công ty cho biết: Nhà máy có quy mô xay xát 35 tấn thóc/giờ, với sản lượng gạo khoảng 24 tấn. Với kho chứa 10.000m2, công ty thu mua thóc tươi, thóc khô từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để chế biến thành gạo và các phụ phẩm khác.
Đến nay, các sản phẩm gạo ăn cao cấp, gạo làm bún, bánh, gạo tấm, gạo rượu, cám, củi trấu của công ty có mặt trên khắp các tỉnh, thành phố cả nước, nhất là một số tỉnh công nghiệp và làng nghề bánh, bún phát triển như Bắc Ninh, Bắc Giang... Hiện, đã có một số đối tác nước ngoài tìm đến hợp tác, đặt hàng.
Nhằm tiếp tục thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, tỉnh tiếp tục khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hoá sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 70% số cơ sở chế biến nông sản quy mô doanh nghiệp đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% - 1%/năm; tốc độ gia tăng giá trị công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 10%/năm.
Mai Liên