Mazda CX-5 nằm trong số ít những sản phẩm ghi nhận sức tiêu thụ tăng trưởng ở tháng 8, trong khi xe gầm cao ngày càng được nhiều khách Việt lựa chọn.
Vừa có dấu hiệu tăng trưởng ở tháng 7, thị trường ô tô Việt Nam ở tháng 8 lại ảm đạm, bất chấp các chương trình khuyến mại lớn từ các hãng xe cũng như đại lý. Danh sách 10 mẫu ô tô bán chạy nhất có 6 cái tên ghi nhận sức tiêu thụ vượt mốc 1.000 xe nhưng 2 sản phẩm xếp cuối chỉ bán được hơn 500 chiếc.
Giới chuyên gia lý giải, nguyên nhân chính tạo nên xu thế sụt giảm này là do tháng 8 trùng với tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch). Đây là dịp thấp điểm thường niên của thị trường Việt, phần đông người dùng kiêng kỵ mua sắm tài sản lớn như ô tô.
Không phải sản phẩm nào cũng ghi nhận doanh số sụt giảm, ví dụ như Mazda CX-5. Mẫu crossover cỡ C này chỉ bán nhiều hơn 60 xe so với tháng 7 nhưng vẫn đủ để vươn lên vị trí số 1 toàn thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên đạt đỉnh của CX-5.
Mitsubishi Xpander vốn bán chạy nhất Việt Nam ở tháng 7 nhưng sang tháng 8 chỉ có thể tụt lại phía sau CX-5. So với tháng trước, doanh số của mẫu MPV ăn khách này giảm tới 34%.
Ngoài sự bứt phá của CX-5, điểm gây chú ý còn có sự biến mất của VinFast VF e34 và VF 5 Plus. Thực tế, hãng xe Việt tạm ngừng công bố doanh số bán hàng của tháng 8, thay vào đó sẽ gộp chung theo quý. Kết quả tiêu thụ của quý 3 (tháng 7, 8, 9) dự kiến sẽ được hãng thông báo vào tháng 10.
Thế vào chỗ trống của 2 mẫu SUV điện trên là Mazda3 và Honda CR-V, lần lượt chiếm giữ 2 vị trí cuối của danh sách xe bán chạy. So với tháng 7, sức tiêu thụ của Mazda3 cùng Honda CR-V chỉ tăng nhẹ, lần lượt 2,2% và 11%.
Thị hiếu của khách Việt đa phần tập trung vào xe lắp ráp trong nước do các sản phẩm này được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, nhờ chính sách hỗ trợ xe "nội" của Nhà nước. Xe gầm cao vẫn chiếm đa số, chỉ có 2 mẫu sedan là Hyundai Accent và Mazda3.
Trong đó, có 5 mẫu xe đến từ thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc có 3 đại diện còn xe Mỹ có 2 chiếc.
Thế Hùng (theo dantri.com.vn, ngày 13/9/2023)