Những địa điểm bị lãng quên và bỏ hoang này khoác lên mình vẻ ngoài u ám, khiến ai nhìn thấy cũng phải rùng mình.
1. Lò mổ Cheung Sha Wan
Cơ sở này đã đóng cửa từ năm 1999 nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay mà chưa bị dỡ bỏ. Bao quanh nơi này là dây thép gai và những bức tường cao cùng với sự canh gác nghiêm ngặt của đội an ninh. Trước đây, người ta đã cố gắng biến nơi này thành một trung tâm nghệ thuật nhưng một số nghệ sĩ cảm thấy khi bước vào đây luôn tạo ra một cảm giác ma quái, kì lạ.
2. Trường Tak Tak
Trường Tak Tak từ lâu đã nổi tiếng là nơi có nhiều ma nhất Hồng Kông. Nó thu hút những thợ săn ma và những người thích cảm giác mạnh. Trường học này được cho là nơi xảy ra vụ thảm sát dân làng địa phương vào năm 1941, trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản, và sườn đồi bên cạnh nó đã bị biến thành nghĩa địa để chôn cất hài cốt của các nạn nhân.
Trước khi đóng cửa, nữ giáo viên của trường được cho là đã tự tử bằng cách treo cổ trong nhà vệ sinh nữ trong khi mặc một chiếc váy đỏ. Sau đó, những tin đồn về việc người dân nhìn thấy bóng ma nữ mặc váy đỏ đi lại trong trường xuất hiện ngày càng nhiều.
Năm 2001, một nhóm học sinh đến khám phá ngôi trường vào ban đêm đã khẳng định nhìn thấy bóng phụ nữ mặc váy đỏ đi qua cửa sổ trường. Sau khi rời khỏi nơi này, cô bé bỗng trở nên sợ hãi, có những hành động kì lạ như la hét, tự bóp cổ mình.
3. Nam Koo
Được xây dựng từ năm 1915 đến 1921, đây là dinh thự của một gia đình buôn tơ lụa Thượng Hải với sự pha trộn của kiến trúc Trung Quốc và châu Âu. Năm 1941, khi quân đội Nhật Bản xâm chiếm thành phố, biệt thự được chuyển thành nhà chứa, nơi những người được gọi là "phụ nữ mua vui" - về cơ bản là nô lệ tình dục bị lạm dụng liên tục rồi chết trong tòa nhà. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nơi này đã bị bỏ hoang vào cuối Thế chiến thứ hai - mặc dù nó được đánh giá là một di sản ở Hồng Kông.
4. Thôn Lo Pun
Lo Pun là một trong những khu định cư lâu đời nhất và đẹp nhất của Hồng Kông. Đây là nơi sinh sống đầu tiên của người Hakka, một nhóm dân tộc từ miền nam Trung Quốc, vào đầu những năm 1600. Những cư dân cuối cùng của nó rời đi vào cuối những năm 1970. Cái tên Lo Pun dịch theo nghĩa đen từ tiếng Quảng Đông là “la bàn bị khóa” do la bàn có xu hướng ngừng hoạt động trong khu vực này.
Thôn làng này cũng tồn tại nhiều truyền thuyết kỳ lạ xung quanh, ví dụ như nhiều cư dân trong làng đã chết trên đường đến một đám cưới, một du khách bị đau tim sau khi nhìn thấy một con ma lang thang trong những con hẻm vắng.
5. Thị trấn ma Ma Wan
Gần với cây cầu Tsing Ma - một trong những cây cầu treo dài nhất thế giới - khu định cư 200 năm tuổi Ma Wan nằm trơ trọi với những ngôi nhà sàn đổ nát và những trang trại làm tôm khô, làm mắm tôm bị bỏ hoang. Nằm trên một hòn đảo cùng tên, thị trấn đánh cá nhỏ thịnh vượng xưa cũ này từng có dân số vài nghìn người cho đến những năm 1980. Sau đó, vào năm 1997, tất cả dân làng của nó bắt đầu chuyển đi hoặc tái định cư ở phía bắc của hòn đảo, sau khi một nhà phát triển bất động sản mua lại phần lớn đất đai. Kế hoạch là phát triển một khu dân cư sang trọng và biến ngôi làng thành một di sản văn hóa và du lịch. Không biết vì lý do gì mà dự án đã bị đình trệ trong 2 thập kỷ qua. Cho đến ngày nay, Ma Wan cũ vẫn đổ nát, hoang tàn và một số người đang kêu gọi chính phủ biến nơi này thành nơi ở tạm thời cho người nghèo, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động nào được thực hiện.
6. Tiger Balm
Mở cửa cho công chúng vào những năm 195, đâylà một trong những công viên chủ đề đầu tiên của thành phố nói riêng và châu Á nói chung. Mục đích của người đứng đầu công viên này là thúc đẩy các tín ngưỡng và giá trị truyền thống của Trung Quốc, và vì mục tiêu đó, Tiger Balm đã trở thành một sân chơi khá độc đáo: nó có các tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc, hoang dã lấy cảm hứng từ thần thoại Trung Quốc; những bức tranh biếm họa tôn giáo kỳ lạ có mặt ở khắp công viên. Sau cái chết của hai anh em vào giữa những năm 1950, nó vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù trong tình trạng xuống cấp liên tục, đổi chủ và cuối cùng đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1998. Vào năm 2004 nơi này đã được phá dỡ một phần để xây dựng khu nhà ở cho người dân. Phần còn lại của công viên vẫn còn và rất đáng để du khách ghé thăm khi đến Hồng Kông.
7. Chợ trung tâm
Ngay tại trung tâm của Hồng Kông là khu chợ trung tâm được kinh doanh từ năm 1842. Năm 2003, nó chính thức đóng cửa với kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời khác nhưng các cuộc biểu tình của người dân đã diễn ra với mong muốn ngăn cản dự án, thuyết phục chính phủ bảo vệ và hồi sinh lại ngôi chợ. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ, khu chợ trung tâm này đã bị bỏ hoang, chỉ còn một số cửa hàng bên trong vẫn hoạt động.
8. Nhà Trắng
Trại giam đường Victoria hay thường gọi là Nhà Trắng được xây dựng trong thời kỳ thực dân. Nơi này ban đầu là câu lạc bộ giải trí của quân đội Anh, sau đó được trưng dụng làm nhà tù chính trị. Khu nhà đã bị bỏ hoang sau năm 1995 và thỉnh thoảng có các nhà thám hiểm ghé thăm.
(Theo 24h, ngày 30/8/2023)