Với mục tiêu vừa nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, vừa chú trọng phát triển KT- XH, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) của HĐND tỉnh đã và đang cụ thể hóa chủ trương xây dựng LVHKM và hiện thực hóa nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII. Để tạo sự đột phá về chất lượng cuộc sống của người dân và đưa mỗi miền quê Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết xây dựng LVHKM có tính chất quyết định.
Với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền xã Quang Sơn đang triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng thôn Quảng Cư trở thành Làng văn hóa kiểu mẫu trong năm 2023. Ảnh Nguyễn Lượng
Khẩn trương song không nóng vội, việc triển khai một số nội dung cơ bản, cốt lõi của Nghị quyết số 08 “Về việc Thông qua Đề án xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030” và Nghị quyết số 06 “Về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030” của HĐND tỉnh đã và đang dấy lên niềm hứng khởi, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân về một môi trường sống chất lượng.
Một trong những cách làm riêng có của Vĩnh Phúc trong thực hiện chủ trương xây dựng LVHKM là việc phát huy cao nhất vai trò của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu, nhất là tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra"; không áp đặt, chủ quan duy ý chí.
Nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi từ chính thành quả phát triển, việc triển khai xây dựng LVHKM luôn được sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và động viên được cán bộ dám làm, dám nghĩ, dám quyết tâm cùng nhân dân thực hiện.
Theo mục tiêu, đến hết năm 2030, toàn tỉnh có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí LVHKM; trước mắt, phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản như cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng KT- XH đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện chương trình LVHKM là 2.610 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.475 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện xã và xã hội hóa 135 tỷ đồng.
Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh; tìm ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết số 06 “Về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030” có nhiều nội dung thiết thực, được đông đảo người dân hưởng ứng.
Trong đó có 6 chính sách hướng đến nội dung kinh tế; 10 chính sách còn lại chủ yếu dành cho các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh…
Trong 16 chính sách đặc thù, có chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển SXKD thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch Homestay, Farmstay; hỗ trợ mô hình vườn sản xuất; hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà có giá trị kiến trúc; hỗ trợ lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng KT- XH; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy gia trị di tích được xếp hạng; hỗ trợ duy trì thường xuyên hạ tầng, cảnh quan và môi trường, phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống…
Có 2 chính sách hỗ trợ để thực hiện các dự án đầu tư công, các chính sách còn lại chủ yếu thực hiện hỗ trợ một lần sau khi đối tượng được hỗ trợ đã hoàn thành mô hình, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đủ điều kiện.
Cụ thể hóa các quy định về chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết 06, chính quyền các địa phương thí điểm xây dựng LVHKM có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, Bí thư cấp ủy là Trưởng Ban chỉ đạo; triển khai chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, các hội, đoàn thể trong tuyên truyền các nội dung về xây dựng LVHKM bằng các hình thức phù hợp, dễ hiểu; phổ biến, quán triệt tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ chế, chính sách hỗ trợ để các tầng lớp nhân dân nắm bắt và chung sức đồng lòng vào cuộc với chính quyền quyết tâm thực hiện thành công xây dựng LVHKM...
Hiện đã có 10/28 LVHKM trên địa bàn tỉnh đã khởi công, xây dựng công trình, gồm: huyện Bình Xuyên có 3/3 LVHKM; huyện Sông Lô có 3/3 LVHKM; huyện Yên Lạc có 3/3 LVHKM; thành phố Vĩnh Yên có 1 LVHKM.
Các nghị quyết về xây dựng LVHKM chính là cơ sở pháp lý để các địa phương phát huy lợi thế, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển KT- XH, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo đột phá, đưa Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, hướng người dân Vĩnh Phúc đến mục tiêu được hưởng thụ tất cả những gì do chính mình làm ra.
Xin trích dẫn lời khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan tại Hội nghị quán triệt và triển khai các nghị quyết HĐND tỉnh về xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030: “Xây dựng được các LVHKM, thực hiện thành công hai nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ góp phần để mọi người dân thêm yêu quê hương mình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh”.
Anh Tú