Nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện rõ vai trò cầu nối, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhân dân với Quốc hội... Các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã sẵn sàng để đóng góp cho kỳ họp Quốc hội thành công tốt đẹp.
Nhiều quyết sách quan trọng
Sáng nay (22/5), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp thường lệ giữa năm của Quốc hội, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Được chia làm 2 đợt, đợt 1 từ 22/5 - 10/6 và đợt 2 từ ngày 19 - 23/6, Kỳ họp thứ 5 tiếp tục chứng kiến sự đổi mới về công tác tổ chức để đảm bảo nhiệm vụ lập pháp, trong đó, xem xét, thông qua 8 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến với 9 dự án luật.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã sẵn sàng cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, Quốc hội còn xem xét báo cáo về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát về sử dụng quản lý nguồn lực phòng chống dịch và các nội dung quan trọng khác như báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 và thứ 4, Quốc hội khóa XV; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; công tác nhân sự …
Xác định tham gia kỳ họp Quốc hội là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ĐBQH. Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều hoạt động chuẩn bị cho ĐBQH trong Đoàn tham gia kỳ họp. Phát huy kết quả từ những kỳ họp trước, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trao đổi với phóng viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Để hướng tới một kỳ họp thành công, trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động đổi mới hoạt động xây dựng luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, bằng các hình thức khảo sát, tổ chức lấy ý kiến các các quan, tổ chức, cá nhân và các chuyên gia trên địa bàn tỉnh về các dự án luật Quốc hội cho ý kiến cũng như thông qua tại kỳ họp.
Tổ chức làm việc với các sở, ngành nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội và nội dung thực hiện các nghị quyết quan trọng của Quốc hội; đồng thời, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh phân công các đại biểu trong Đoàn nghiên cứu chuyên sâu về các dự án luật, các vấn đề quan trọng khác để làm cơ sở tham gia thảo luận tại kỳ họp, hầu hết các dự án luật đều sẽ được các đại biểu trong Đoàn phát biểu thảo luận.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH cũng tổ chức giám sát theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo Chương trình giám sát của Đoàn; chủ động làm việc với các ngành nhằm nắm bắt những vướng mắc, tồn tại hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật tại địa phương, những vấn đề nổi cộm để có thông tin thực hiện chất vấn tại kỳ họp.
“Đặc biệt, tại kỳ họp này, Đoàn sẽ chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Vĩnh Phúc tới diễn đàn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương để xem xét giải quyết thấu đáo” - đồng chí Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Cử tri kỳ vọng cao
Kỳ họp thứ 5 sẽ thực hiện nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành với dự kiến sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.
Dù khối lượng công việc rất lớn, tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm từ xa của Quốc hội đã mang lại niềm tin rằng Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ hiến định, đặc biệt là trong công tác lập pháp.
Đó là cơ sở để trước Kỳ họp thứ 5, cử tri cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đều kỳ vọng, tin tưởng Quốc hội, các ĐBQH sẽ tiếp tục phát huy cao độ trách nhiệm, trí tuệ, kịp thời đưa ra quyết sách trúng và đúng, tiếp tục đồng hành với Chính phủ để đương đầu với những khó khăn hiện nay.
Những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Vĩnh Phúc đề xuất trước kỳ họp sẽ được Đoàn ĐBQH chuyển tới diễn đàn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương để xem xét giải quyết thấu đáo.
Bày tỏ vui mừng khi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp lần này, cử tri Vũ Hồng Thanh, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên cho rằng, dự thảo luật cần chi tiết hơn, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, tránh chồng chéo, có kẽ hở trong quản lý dẫn đến thất thoát, lấn chiếm.
“Mong rằng tại kỳ họp, các đại biểu sớm đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các quy định của Luật Đất đai; xử lý những xung đột giữa Luật Đất đai với Luật Nhà ở. Thay đổi quy định về thu hồi đất, xác định giá đất bồi thường; bổ sung quy định tạo điều kiện tích tụ đất đai…” - anh Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ.
Một điểm mới trong tổ chức kỳ họp lần này là chia kỳ họp làm hai đợt và có thời gian nghỉ giữa kỳ họp kéo dài 1 tuần để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết.
Đánh giá, ghi nhận những đổi mới trong công tác tổ chức tại kỳ họp lần này, cử tri Nguyễn Tiến Hùng, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho rằng: “Điều này sẽ nâng cao chất lượng các dự thảo trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được ban hành”.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hùng: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 cũng như kết quả sơ bộ và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023.
Vì vậy, tôi kỳ vọng sau các phiên thảo luận của Quốc hội, các cơ quan có liên quan sẽ nâng cao trách nhiệm, tiếp tục đề ra các phương hướng, giải pháp phù hợp trong thời gian tới để tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua và tiếp tục thúc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế trong năm 2023 nói riêng và các giai đoạn sắp tới nói chung.
Khẳng định các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh luôn nỗ lực cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trách nhiệm cũng như khẳng định vị trí, vai trò của mình, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Các đại biểu trong Đoàn sẽ tham gia đầy đủ các phiên họp, chương trình tại kỳ họp, chuẩn bị các nội dung thảo luận có chất lượng; tham gia biểu quyết các vấn đề quan trọng theo yêu cầu của Quốc hội.
Thực hiện quyền giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua các hoạt động như xem xét báo cáo về kinh tế - xã hội, tình hình thực thi pháp luật, chất vấn và xem xét trả lời chất vấn… với mục tiêu chung là thực hiện tốt vai trò đại diện của cơ quan dân cử, của đại biểu dân cử để góp phần hoàn thành tốt các nội dung của kỳ họp, đồng thời, góp phần xây dựng và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri trong tỉnh.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ