Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho người dân; ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm cũ là những giải pháp quan trọng mà thành phố Phúc Yên đã, đang triển khai trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên Phan Tiến Dũng kiểm tra và chỉ đạo xử lý vi phạm lấn chiếm Đầm Diệu.
Theo báo cáo của UBND thành phố Phúc Yên, tính đến nay, trên địa bàn còn tồn tại nhiều vi phạm đất đai cũ theo Kế hoạch số 54/2020 của UBND tỉnh thực hiện trong giai đoạn từ năm 2020 - 2024, chỉ tiêu mỗi năm phải thực hiện 20% trong tổng số vi phạm.
Tính từ tháng 3/2020 đến hết tháng 8/2022, UBND thành phố Phúc Yên đã xử lý, giải quyết dứt điểm, giảm được 889/1.460 trường hợp vi phạm tồn tại (mỗi năm đều đạt 100% kết quả theo chỉ tiêu đề ra); số vi phạm tồn tại cần phải xử lý giải quyết dứt điểm là 797 trường hợp, trong đó có những trường hợp vi phạm, lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất với quy mô lớn kéo dài đến nay khó xử lý.
Thực tế tại một số dự án vi phạm, chúng tôi thấy hầu hết các hạng mục đã được xây dựng kiên cố, đầu tư quy mô, điển hình như Dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Lâm, dự án Gia Phúc Boutique Resort và 1 số công trình lớn của các hộ gia đình tại xã Ngọc Thanh...
Khi xem xét xử lý, các phòng chức năng gặp phải khó khăn do công trình liên quan đến các quy định về hành lang an toàn, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện cơ chế chính sách của Luật Lâm nghiệp khi áp dụng vào thực tế tại địa phương… Quy trình xử lý liên quan đến giấy tờ, thủ tục, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình cố tình phớt lờ hoặc kéo dài thời gian bằng đơn từ, khiếu nại trái pháp luật…
Lợi dụng địa hình, một số địa bàn xã có diện tích rộng, nhiều khu vực nằm sâu, xa khu dân cư, khó khăn cho các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn, một số trường hợp lợi dụng việc san gạt đất đồi, cải tạo mặt bằng canh tác nhưng thực tế tiếp theo là xây dựng công trình trên đất, sử dụng sai mục đích (chủ yếu ở địa bàn xã Ngọc Thanh) diễn ra rất phức tạp.
Đặc biệt ở các địa phương, lực lượng mỏng, không kiểm soát hết địa bàn cũng là một khó khăn. Trách nhiệm của UBND các đơn vị xã, phường trong chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý về đất đai còn thiếu kiểm tra giám sát và đôn đốc nên hầu hết các vụ việc qua kiểm tra hồ sơ, thực địa đều có vi phạm nhưng không được xử lý dứt điểm.
Khi vi phạm còn là mầm mống, manh nha, chính quyền địa phương không có thái độ kiên quyết, xử lý dứt điểm ngay theo thẩm quyền, để các công trình sai phạm ngày càng nghiêm trọng và phức tạp.
Bên cạnh đó, liên quan đến các dự án đa dạng về du lịch, nghỉ dưỡng - sự phối hợp của UBND xã, phường với các cơ quan chuyên ngành chức năng của thành phố như: Kiểm lâm, Công an, Công ty thủy lợi, Trật tự đô thị trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Công tác thanh, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thực sự hiệu quả. Nhận thức và ý thức chấp hành của người dân về chính sách pháp luật đất đai còn nhiều hạn chế.
Đồng thời, chất lượng tham mưu xử lý vi phạm của cán bộ chuyên môn chưa đạt yêu cầu; trong quá trình phát hiện, kiểm tra chưa phân tích, đánh giá đúng bản chất sự việc và xác minh nguồn gốc sử dụng đất để xác định rõ hành vi vi phạm.
Quy trình lập hồ sơ không đảm bảo về trình tự, thời gian và căn cứ pháp lý theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Quá trình xác lập hồ sơ xử lý các vụ việc vi phạm có tình trạng nhiều văn bản ban hành mang tính hình thức không có tính thực thi, hồ sơ không đảm bảo về trình tự, thiếu căn cứ pháp lý, báo cáo nội dung sơ sài không cụ thể về giải pháp và đề xuất các phương án giải quyết.
Để xử lý các vi phạm đất đai trên địa bàn, tháng 5/2022, UBND thành phố Phúc Yên đã thành lập đoàn thanh tra nhằm thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước, cụ thể là lĩnh vực quản lý đất đai đối với xã Ngọc Thanh và xã Cao Minh - 2 địa phương để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm phát sinh mới. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị xã, phường trong việc chậm trễ, thiếu quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ việc phát sinh mới.
Trong 9 tháng (từ 1/12/2021 đến 31/8/2022), thành phố đã đã xử lý 27 trường hợp tại các xã, phường Ngọc Thanh, Tiền Châu, Hùng Vương, Nam Viêm, đạt tỷ lệ trung bình 9,60%.
Đánh giá kết quả đạt được theo chỉ tiêu giao, theo các loại hình vi phạm: các trường hợp xử lý phần lớn là do quá trình rà soát có trùng lặp vị trí vi phạm theo tên danh sách và trường hợp không còn công trình vi phạm. Đây là các trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất và sử dụng sai mục đích.
Theo kế hoạch số 54 của UBND tỉnh, kết quả xử lý giải quyết các tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai phát sinh sau ngày 16/3/2020, thành phố đã xử lý giải quyết dứt điểm được 49 trường hợp với tổng diện tích 2,39 ha.
Với trường hợp dự án Gia Phúc Boutique Resort, đến nay, chủ hộ đã cơ bản khắc phục hậu quả, tháo dỡ các công trình vi phạm như bờ kè, nhà ở, nhà kho trả lại mặt bằng đất trống, trồng lại cây xanh; tuy nhiên còn hạng mục xây kè đá chưa phá dỡ với lý do khi thực hiện sẽ gây sạt lở đất nguy hiểm.
Dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Lâm, UBND thành phố tiếp tục xin ý kiến tư vấn các sở, ngành của tỉnh để có cơ sở xem xét xử lý. Từ nay đến hết năm 2022, thành phố tập trung, nỗ lực giải quyết các tồn tại vi phạm nhằm tránh nảy sinh các vấn đề tiêu cực liên quan đến đất đai và những nguy cơ gây bất ổn tình hình chính trị ở địa phương.
Bài, ảnh: Thu Thủy